Hướng quy hoạch các phân khu sắp tới của Đà Nẵng

“Chúng tôi đặt quyền lợi của Thành phố lên trên, quý vị đặt quyền lợi của doanh nghiệp lên trên. Hài hòa quyền lợi của Thành phố và nhân dân với nhà đầu tư thì chúng ta sẽ gặp nhau”.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh khẳng định khi nói về hướng quy hoạch các phân khu sắp tới của Đà Nẵng.

Hội đủ thương hiệu lớn

Sau khi công bố quyết định của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng tiếp tục nhận được nhiều đề xuất ý tưởng quy hoạch từ các nhà đầu tư, trong đó có những thương hiệu lớn như Vingroup, Sun Group, BRG, IPPG, Phát Đạt, Hòa Phát... Tính đến hết tháng 3/2021, đã có 12 đơn vị đề xuất cho phép thực hiện quy hoạch thực địa các phân khu đô thị và khu chức năng, quy hoạch chung nông thôn mới. Đáng chú ý, trong các ý tưởng đề xuất, có những đề xuất cùng trên một phân khu.

Trong đó, IPPG được Đà Nẵng thống nhất tiếp nhận ý tưởng quy hoạch phân khu sườn đồi khoảng 2.729 ha. Bên cạnh phân khu sườn đồi, IPPG còn đề xuất ý tưởng quy hoạch Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan khoảng 850 ha và đề nghị tài trợ chi phí quy hoạch phân khu Khu đô thị sân bay (diện tích khoảng 1.327 ha), hình thức tài trợ thông qua hợp đồng/ thỏa thuận tài trợ giữa cơ quan đại diện thành phố giao, tư vấn và đơn vị tài trợ.

Tại vị trí này, Sun Group cũng tham gia ý tưởng Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan với diện tích 1.110 ha (thuộc phân khu sườn đồi 2.729 ha). Sun Group còn đề xuất tham gia nghiên cứu và đầu tư Khu đô thị ven sông Tây Nam Nhà máy nước Cầu Đỏ, khoảng 50 ha.

Còn BRG đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch phân khu khu vực khoảng 11.573 ha (gồm 3 phân khu: dự trữ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị sườn đồi) và đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch tổng thể phát triển không gian 9 xã phía Nam Hòa Vang, khoảng 25.042 ha.

Đối với khu dự trữ phát triển, bên cạnh Tập đoàn Vingroup tự khảo sát khoảng 450 ha tại xã Hòa Châu - Hòa Tiến, cũng có sự tham gia của Công ty cổ phần Phát Đạt.

MIK Group Việt Nam thì đề xuất nghiên cứu lập Dự án Khu đô thị sinh thái đổi mới và nghiên cứu sáng tạo 2.235 ha (Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương) cũng thuộc phân khu dự trữ phát triển 5.858 ha.

Liên danh Tập đoàn Sakae Holding và Công ty TNHH Đầu tư SSF đề nghị tài trợ gói quy hoạch 1/2.000 huyện Hòa Vang; đề xuất Dự án Khu đô thị Hòa Vang. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu Dự án hệ sinh thái tổ hợp hồ Đồng Nghệ (khoảng 679 ha, thuộc phân khu sinh thái phía Tây 57.692 ha).

Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland đề nghị được nghiên cứu lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 tại khu vực 800 ha ở Hòa Liên; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và đề xuất Khu đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ Hòa Hiệp Nam tại khu vực quy hoạch ga đường sắt năm 2013, khoảng 50 ha, thuộc một phần phân khu ven vịnh Đà Nẵng 1.530 ha và một phần phân khu lõi xanh trung tâm 4.775 ha...

Không vì lợi ích nhà tài trợ ảnh hưởng đến cộng đồng

Được biết, để hoàn thiện quy hoạch 12 phân khu, Đà Nẵng cần khoản kinh phí hơn 100 tỷ đồng (bao gồm kinh phí đo đạc, lập bản đồ, tích hợp dữ liệu…). Theo đơn vị tư vấn, Đà Nẵng nên xã hội hóa việc này, và hiện nhiều đơn vị đã sẵn sàng tài trợ. Song, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, kinh phí tài trợ thì Sở đã tham mưu Thành phố tiếp nhận, nhưng về ý tưởng quy hoạch và sản phẩm quy hoạch phải thận trọng bởi pháp luật chưa cho phép.

Thành phố lắng nghe ý kiến đóng góp cho công tác quy hoạch, sau đó sẽ lập Hội đồng Thẩm định, phản biện các ý kiến đóng góp, rà soát và thanh lọc các ý kiến phù hợp cho từng phân khu để đưa vào quy hoạch.

“Tổ chức lập quy hoạch phân khu là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và quận, huyện. Các chủ đầu tư chỉ tổ chức lập quy hoạch chi tiết khi được giao đầu tư dự án cụ thể. Do vậy, việc các nhà đầu tư đề nghị giao nghiên cứu lập quy hoạch phân khu, quy hoạch tổng thể phát triển không gian, quy hoạch chi tiết là không có quy định của pháp luật”, ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết.

Về tài trợ kinh phí lập quy hoạch, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND Thành phố giao Sở Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định. Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố yêu cầu nhà tài trợ phải có cam kết nguồn tiền tài trợ là hợp pháp; việc tài trợ là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Theo ông Phong, trong tháng 4/2021, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND Thành phố về trình tự tiếp nhận ý tưởng quy hoạch phân khu từ các nhà đầu tư; thông báo công khai về phân khu mà nhà đầu tư quan tâm; tổ chức các buổi thẩm định, phản biện làm rõ ý tưởng quy hoạch.

Còn ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, đã giao Sở Xây dựng chủ trì trong vòng 1 tháng phải đưa ra được các tiêu chí thu hút đầu tư cụ thể cho từng phân khu để các nhà đầu tư nghiên cứu, đồng thời làm việc với từng nhà đầu tư để thống nhất các nội dung.

“Tôi cam đoan việc thu hút đầu tư sẽ diễn ra minh bạch, công khai, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục