Hướng mới phát triển thị trường tài chính phái sinh

(ĐTCK) Có một cách tiếp cận mới trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển của thị trường tài chính phái sinh, trong đó có TTCK phái sinh tại Việt Nam.
Hướng mới phát triển thị trường tài chính phái sinh

Một công cụ bị… quên

Chuyện các định chế, tổ chức tài chính hàng đầu thế giới thường xuyên sử dụng và cập nhật các mô hình toán học vào phát triển kinh doanh, trong đó có triển khai các sản phẩm tài chính phái sinh không có gì mới. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), chuyện này khá lạ lẫm tại Việt Nam cả ở khía cạnh nghiên cứu lẫn triển khai ứng dụng trên thực tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một khi tận dụng tốt công cụ toán học trong triển khai các sản phẩm tài chính, thì các ngân hàng, các định chế tài chính khác không chỉ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn, mà còn chủ động hơn trong quản trị rủi ro.

Hướng mới phát triển thị trường tài chính phái sinh ảnh 1

Thị trường phái sinh là hướng phát triển tất yếu của  các thị trường tài chính

Chính bởi ý nghĩa trên mà lần đầu tiên, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM đồng tổ chức chuỗi hội thảo về ứng dụng toán học vào phát triển thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng. Trong khuôn khổ sự kiện khá… lạ này, hội thảo đầu tiên được tổ chức ngày 17/6 có chủ đề “Tương lai của thị trường tài chính: sản phẩm phái sinh?”, diễn ra dưới sự chủ trì của GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học của VIASM, cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về toán ứng dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước, UBCK, các ngân hàng thương mại, CTCK…

Mục tiêu lâu dài của sự hợp tác chiến lược giữa JVN, đơn vị chuyên nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng vào DN và VIASM, theo ông Châu là đưa những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh của DN và nền kinh tế.

Để có thể khai thác tối đa công cụ toán vào quá trình phát triển thị trường tài chính, theo GS Phạm Xuân Huyên, Đại học Paris 7 (Pháp), đồng chủ trì Hội thảo, điều quan trọng nhất, theo kinh nghiệm thế giới là các nhà toán học ứng dụng và giới tài chính cần thường xuyên tương tác với nhau. Nói cách khác, các DN, ngân hàng, định chế tài chính cần chủ động đặt hàng các nhà toán học ứng dụng, để trên cơ sở đó xây dựng mô hình toán học đáp ứng chiến lược kinh doanh nói chung, phát triển các sản phẩm tài chính mới nói riêng.

Việc ứng dụng các thuật toán vào thị trường tài chính cho phép các định chế tài chính thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng, định dạng các sản phẩm tài chính, cũng như lường tính được mức độ tương tác với các nhân tố liên quan. Trên cơ sở đó, “lọc” bớt các rủi ro thông qua điều chỉnh liều lượng các tham số, sau khi thực tiễn áp dụng bộc lộ kết quả ngoài ý muốn.

 

Định hướng chính sách

Sự phát triển của thị trường tài chính đến một quy mô nhất định tất yếu phải phát triển thị trường phái sinh. Điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với Việt Nam , khi quá trình hội nhập với thị trường tài chính thế giới đang diễn ra sâu rộng.

Bởi vậy, chuỗi hội thảo về ứng dụng toán học vào phát triển thị trường tài chính, theo  ông Nguyễn Xuân Dương, cán bộ phụ trách mảng tài chính - chứng khoán thuộc Văn phòng Chính phủ, là một hướng tiếp cận mới, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy quá trình chuẩn bị về khuôn khổ pháp lý, nguồn lực thị trường, cũng như đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ cho yêu cầu triển khai thị trường tài chính phái sinh. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ cho sự phát triển của thị trường tài chính phái sinh. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt.

Thứ nhất, định hướng phát triển TTCK phái sinh đã được đề cập tại Quyết định 252/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tập trung xây dựng và phát triển TTCK phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển với các công cụ từ đơn giản đến phức tạp; về dài hạn cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ… Thực hiện chiến lược này, UBCK đang khẩn trương xây dựng khung pháp lý cho TTCK phái sinh. Theo kế hoạch, cuối năm nay dự thảo nghị định về phát triển TTCK phái sinh ở Việt Nam sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng khuôn khổ pháp lý cho triển khai các sản phẩm phái sinh dựa trên cơ sở là thị trường tiền tệ.

Thứ ba, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính trong hoạch định cơ chế pháp lý cho phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên thị trường hàng hóa, nhằm giúp thị trường tài chính phát triển hiện đại, có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, đáp ứng nhu cầu của các định chế tài chính lẫn giới đầu tư.

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục