Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP. So với trước đó, dự thảo lần này, có thể nói, đã có một bước đột phá khi không quy định hạn mức tối đa đối với phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP.
“Thay vào đó, Dự thảo chỉ quy định nguyên tắc phần tham gia của Nhà nước được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án”, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và cho biết, theo Dự thảo Nghị định, phần tham gia của Nhà nước được xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể và điều này là nhằm hỗ trợ và tăng tính khả thi về tài chính của dự án.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong Dự thảo Nghị định được đưa ra từ cuối năm trước, thì phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP được dự thảo là tối đa không quá 50% tổng vốn đầu tư của dự án. Trước đó, theo quy định tại Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, phần tham gia của Nhà nước chỉ giới hạn ở mức 30% tổng vốn đầu tư của dự án. Và đây bị coi là một trong những “điểm nghẽn” khiến các dự án PPP thiếu sức hấp dẫn hơn.
Chính vì vậy, việc Dự thảo Nghị định mới không quy định hạn mức tối đa đối với phần tham gia của Nhà nước, sẽ góp phần đáng kể tăng tính thương mại cho các dự án PPP, mô hình mà Việt Nam đang muốn đẩy mạnh để có nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Các quy định về phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP cũng là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước kể từ khi mô hình PPP bắt đầu được thí điểm tại Việt Nam.
Ông Tony Foster, Trưởng nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng đã từng đề xuất rằng, cần quy định linh hoạt mức độ hỗ trợ của Nhà nước cho dự án, bởi quy định 30% như trước đây còn rất hạn chế.
“Các loại hình dự án khác nhau thì có mức độ cần hỗ trợ khác nhau. Cần xác định nhu cầu hỗ trợ thông qua nghiên cứu khả thi, trong đó chắc chắn phải xác định tỷ trọng lợi ích đồng vốn của Nhà nước để xác định xem áp dụng mô hình PPP vào dự án có đem lại giá trị cao hơn mô hình truyền thống hay không. Nếu có, mức độ hỗ trợ của Nhà nước cần được tính toán tương ứng, chứ không nên hạn chế”, ông Tony Foster nói.
Như vậy, có thể hiểu, các đề xuất của các nhà đầu tư đã bước đầu được chấp thuận.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định rõ, phần tham gia của Nhà nước bao gồm vốn, tài sản nhà nước và các nguồn tài chính khác được xác định trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Nguồn vốn nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn khác. Các nguồn lực này được sử dụng để hỗ trợ đầu tư các hạng mục của dự án, công trình phụ trợ; tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm hỗ trợ thực hiện dự án.
Các bảo đảm, hỗ trợ khác của Nhà nước (như bảo lãnh Chính phủ, bảo đảm cân đối ngoại tệ…) được xác định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi và không tính vào phần tham gia của nhà nước.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng đã quy định các điều kiện được sử dụng phần tham gia của Nhà nước, bao gồm dự án có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ thiết yếu thuộc mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và yêu cầu của người sử dụng; Không có khả năng thu hồi vốn từ nguồn thu hợp lý của người sử dụng hoặc đã xem xét tất cả các phương án nhằm tăng tính khả thi về tài chính của dự án, nhưng không có phương án khả thi nếu thiếu nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải phù hợp với đặc điểm, tính chất và hình thức hợp đồng dự án; cũng như các điều kiện khác theo yêu cầu của từng dự án cụ thể và được thỏa thuận tại hợp đồng dự án.
Các điều kiện này cũng đã có những khác biệt so với Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP được đưa ra lấy ý kiến công luận hồi cuối năm 2013.