Hướng đi mới của Trường dạy nghề FLC

(ĐTCK) Ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn rằng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể thích nghi ngay với các công việc được giao. Ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề FLC đã chia sẻ giải pháp khắc phục tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Nguyễn Văn Thanh.

Nhiều ý kiến nhận xét, sinh viên ra trường, đặc biệt là sinh viên nghề thường không thể bắt tay ngay vào công việc. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Theo tôi, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể quy lại thành 3 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm nguyên nhân liên quan tới quá trình đào tạo. Nhiều trường hiện nay, do điều kiện vật chất cũng như đội ngũ giảng viên còn hạn chế, nên giảng dạy thường thiên về lý thuyết. Điều này khiến người học không hiểu biết nhiều về thực tế, hay bỡ ngỡ khi bắt tay trực tiếp với công việc, máy móc. Ngoài ra, không phải giảng viên nào cũng có điều kiện tiếp xúc với các cơ sở thực tế và các cơ quan nghiên cứu ở trong nước cũng như nước ngoài, nên việc cập nhật kiến thức mới, hiện đại còn hạn chế, từ đó dẫn đến chất lượng giảng dạy chưa cao.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân liên quan tới người học. Nhiều học viên có tính thụ động, giữ quan niệm tới lớp học là để nghe, ghi chép lại và cố gắng ghi nhớ phục vụ cho các kỳ thi, hoặc giảng viên hướng dẫn thế nào làm thế đó một cách máy móc, dập khuôn, chưa kể tâm lý chủ quan. Đây là lý do khiến học viên khó bắt tay vào công việc ngay sau khi ra trường.

Thứ ba là nhóm các nhân tố khách quan, như các quy định gắn với chương trình đào tạo, mức học phí, cách thức tuyển dụng, cách thức tuyên truyền về giáo dục, việc làm... Đây là các nhân tố vượt tầm kiểm soát của các trường, đặc biệt là quy định về học phí. Một khi mức trần học phí quá thấp, các trường sẽ không có điều kiện vật chất đảm bảo giảng dạy sát với thực tế để hỗ trợ người học.

Hướng đi mới của Trường dạy nghề FLC ảnh 1

Lễ khai trương Trường Cao đẳng Nghề FLC

 

Trường Cao đẳng nghề FLC có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Đây là bí quyết riêng, nên chúng tôi chỉ có thể "tiết lộ" những vấn đề mang tính nguyên tắc chung.

Thứ nhất là các giải pháp giải bài toán về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật. Bài toán này chỉ có thể giải được khi có tiềm lực tài chính mạnh và các mối liên hệ hợp tác trong nước và quốc tế tốt. Trường chúng tôi có may mắn là trực thuộc một tập đoàn kinh tế mạnh và uy tín, đó là Tập đoàn FLC, nên có thể quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học và cán bộ giảng dạy về lý thuyết và thực hành có uy tín, trên cơ sở chế độ đãi ngộ thỏa đáng và môi trường làm việc lành mạnh. Thêm vào đó, FLC còn xây dựng được mối liên kết với nhiều DN và tập đoàn trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho quá trình đào tạo cũng như tạo việc làm thích hợp cho người học khi ra trường.

Thứ hai, đối với người học, chúng tôi xây dựng môi trường học lành mạnh, công khai và minh bạch trong mọi khâu của quá trình đào tạo. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo cho người học ngay từ khi bước chân vào trường. Các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong công việc được đặc biệt quan tâm.

Thứ ba, mối liên hệ với các cơ sở thực tiễn sản xuất - kinh doanh sẽ giúp cho sinh viên của chúng tôi học ở trường, nhưng với môi trường như thực tiễn kinh doanh, do đó sẽ thích ứng với thực tiễn sản xuất - kinh doanh.

Hướng đi mới của Trường dạy nghề FLC ảnh 2 

Ký kết thỏa thuận giữa Cao đẳng nghề FLC với Viện Quản lý và Phát triển châu Á (AMDI)

 

Trường hợp tác với những đơn vị nào để giúp sinh viên thực tập và làm quen với công việc, thưa ông?

Hiện tại, Tập đoàn FLC và Trường Cao đẳng nghề FLC chúng tôi đang có mối quan hệ tốt với Tập đoàn Sam Sung và một số tập đoàn khác của Hàn Quốc, một số tập đoàn của Nhật Bản và các công ty thành viên của Honda Việt Nam, cùng nhiều công ty trong các khu công nghiệp trên cả nước. Ngoài ra, nhiều công ty khác trong nước đang là đối tác tin cậy của Tập đoàn FLC. Đây còn là yếu tố quan trọng giúp đầu ra cho quá trình đào tạo của chúng tôi trở nên thuận lợi, tạo cơ hội lựa chọn nơi làm việc đa dạng cho sinh viên.

Vậy kế hoạch đào tạo của Trường trong thời gian tới như thế nào? Quy mô tuyển sinh và các ngành nghề?

Với cơ sở vật chất hiện tại và những mối liên kết chúng tôi đã thiết lập được, trường chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu học cho hàng vạn sinh viên mỗi năm. Những ngành nghề mà chúng tôi lựa chọn đều thuộc danh mục các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Dạy nghề ban hành. Đây là những ngành nghề có tương lai lâu dài, gắn với nhu cầu phát triển của quốc gia, cũng như khu vực và trên thế giới.

Vì vậy, khi có các chứng chỉ và bằng nghề liên quan tới các nghề này, người học không chỉ có cơ hội việc làm trong nước cao, với thu nhập thỏa đáng, mà còn có cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài.

Nhân đây, cũng xin “bật mí” là Tập đoàn FLC có cả đơn vị chuyên về xuất khẩu và cung ứng lao động cho các đối tác nước ngoài. Hàng năm, đơn vị này đều có các hợp đồng cung cấp một số lượng lớn lao động cho các đối tác của Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và châu Phi. Đây cũng chính là một thuận lợi lớn cho những ai học tại trường chúng tôi.

Nhưng làm sao để Trường có thể tuyển sinh được lượng lớn sinh viên như vậy?

Hiện nay, cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo rất quyết liệt, vì thế công tác marketing được các trường hết sức quan tâm. Trường chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi dành ưu tiên cho vấn đề này cả về nhân tài, điều kiện vật chất và tài chính. Mạng lưới marketing đào tạo của chúng tôi sẽ được "phủ sóng" trên phạm vi toàn quốc, tới cả những vùng sâu, vùng xa nhằm thu hút người học. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng xây dựng và củng cố đầu ra cho người học và coi đây là nhân tố quyết định sự thành công trong tương lai.

 

Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn FLC

Đầu năm 2013, FLC đã chính thức khai trương Trường Cao đẳng nghề FLC. Với chúng tôi, đây là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện mảng cung cấp dịch vụ đào tạo của Tập đoàn. Trên thực tế, cạnh tranh về đào tạo đang ngày một gay gắt hơn, nhưng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề trình độ cao đẳng kết hợp với thực tập nghề cho phép sinh viên đi làm ngay khi còn đang học, thì không phải nơi nào cũng làm được. Chúng tôi xác định, khi mang lại lợi ích lớn nhất có thể cho học viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, thì tự khắc lợi ích của Tập đoàn sẽ tăng lên. Đồng thời, cách làm này của chúng tôi cũng là cơ chế hỗ trợ tạo thu nhập cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian gần đây, suy thoái của thị trường bất động sản đã đẩy nhiều DN trong ngành này vào tình trạng khó khăn. Riêng đối với FLC, nhờ công tác dự báo tốt nên đã bán hết sản phẩm đúng đỉnh cao của thị trường, không rơi vào tình trạng tồn đọng, kéo dài dự án. Đây là lý do năm 2012, chúng tôi kết chuyển được trên 1.500 tỷ đồng doanh thu. Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục coi bất động sản là một hướng kinh doanh chủ đạo, nhưng sẽ lựa chọn kỹ phân khúc và thời điểm triển khai. Năm 2013, FLC sẽ triển khai xây dựng Dự án Khu vui chơi - giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ. Với việc triển khai dự án này, chúng tôi kết hợp 2 mục tiêu song song là đẩy mạnh doanh thu từ bất động sản trong tương lai, thúc đẩy các mảng dịch vụ có liên quan mà các DN trong hệ thống FLC đang cung cấp.

Bùi Sưởng thực hiện.
Bùi Sưởng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ