Chính phủ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Ông có thể chia sẻ đánh giá của ADB về tiềm năng của hai thành phố này trong tham vọng phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế?
Với quy mô nền kinh tế gần 500 tỷ USD và nhu cầu riêng về cơ sở hạ tầng khoảng gần 30 tỷ USD mỗi năm, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu, ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực lần lượt ở TP.HCM và Đà Nẵng - hai trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam - giờ đây đang dần được hiện thực hóa bởi cam kết chính trị mạnh mẽ và kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ. Có thể nói, kế hoạch này là bước đi chiến lược để Việt Nam hội nhập sâu hơn với thị trường tài chính toàn cầu nhằm thu hút nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững của Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam |
TP.HCM và Đà Nẵng là hai thành phố có cơ sở hạ tầng giao thông hàng không, đường bộ và đường biển thuận lợi cho kết nối, giao thương với các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế. Hai thành phố đều có các cơ sở đào tạo tương đối tốt, có khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có kỹ năng cao về công nghệ cũng như tài chính. Cả TP.HCM và Đà Nẵng đều có triển vọng về quy mô và không gian tăng trưởng tích cực, giữ vai trò đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Với trí địa lý thuận lợi, có tính chiến lược, TP.HCM và Đà Nẵng là điểm kết nối kinh tế quan trọng với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trên cơ sở đó, nhu cầu vốn được đánh giá là cao hơn nhiều so với nguồn vốn huy động tại chỗ. Vì thế, cần phải huy động nguồn lực tài chính quốc tế cho phát triển và đây cũng là nền tảng cho phát triển thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, TP.HCM và Đà Nẵng cũng có những điểm khác biệt, có thể dẫn đến trọng tâm khác nhau giữa hai trung tâm tài chính này. TP.HCM có nền tảng công nghiệp, dịch vụ tương đối phát triển và luôn dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Thành phố này còn là trung tâm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. TP.HCM hầu như đã hội đủ các thành tố quan trọng để phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Trong khi đó, theo những nghiên cứu khảo sát ban đầu của các chuyên gia ADB, Đà Nẵng tuy có lợi thế kinh tế du lịch, dịch vụ, cảng biển, nhưng quy mô kinh tế còn tương đối nhỏ. Đà Nẵng có thể đóng vai trò kết nối rộng hơn sang Lào và Thái Lan qua Hành lang kinh tế Đông Tây. Điều này cho thấy cơ hội của Đà Nẵng gắn liền với kết nối khu vực, tiểu vùng, bên cạnh vai trò động lực kinh tế của khu vực miền Trung. Vì thế, Đà Nẵng xác định trọng tâm ban đầu là tập trung vào công nghệ tài chính (Fintech). Nhìn từ góc độ xuất phát điểm hiện nay và hướng đi lâu dài mở rộng sang các quốc gia láng giềng thì đây có thể xem như một hướng đi phù hợp.
Với những tiềm năng sẵn có nói trên, trong bối cảnh môi trường quốc tế còn nhiều bất định và cạnh tranh gay gắt, cả hai thành phố cần tăng cường nhiều điều kiện khác để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là một việc làm mới và nhiều khó khăn đối với Việt Nam. Tiến trình phát triển này sẽ là một chặng đường dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, đòi hỏi cam kết chính trị mạnh mẽ và kiên định chủ trương phát triển.
Ông có thể nói rõ hơn về các tiêu chí, điều kiện mà TP.HCM và Đà Nẵng cần phải đáp ứng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế?
Nói chung, các trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi một khung pháp lý toàn diện, phải có cơ sở hạ tầng phát triển, linh hoạt về chính sách tiền tệ cũng như các cơ chế đủ mạnh để chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, vận hành các trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời thu hút các nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư quốc tế. Chính phủ và chính quyền TP.HCM và Đà Nẵng cũng chú trọng ưu tiên các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, với việc phát triển thị trường tài chính quốc tế, không phải cứ hội đủ tiêu chí và điều kiện là sẽ thành công.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy, mỗi quốc gia sẽ có con đường phát triển trung tâm tài chính quốc tế của riêng mình. Việt Nam có thể lựa chọn tiếp cận các tiêu chí, điều kiện dưới hai góc độ: Một là, lựa chọn hướng đi với các mục tiêu lâu dài, cụ thể phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước; hai là, cân nhắc các tiêu chí đánh giá quốc tế làm cơ sở so sánh mức độ cạnh tranh của Việt Nam.
Về hướng đi, các trung tâm tài chính quốc tế có thể được xếp vào hai mô hình trong mối tương quan với thị trường tài chính quốc gia: một mô hình có sự tách biệt tương đối giữa khuôn khổ pháp lý của trung tâm tài chính quốc tế với thị trường tài chính trong nước, mô hình còn lại là áp dụng tương đối nhất quán khuôn khổ pháp lý cho cả trung tâm tài chính quốc tế và thị trường tài chính trong nước. Cũng có thể phân biệt hai mô hình trung tâm tài chính quốc tế này theo góc nhìn khác là “chủ cung” hay “chủ cầu”.
Trung tâm tài chính quốc tế “chủ cung” có khuôn khổ pháp lý đặc thù, tách biệt, tạo ưu thế cạnh tranh bằng chi phí huy động vốn. Các trung tâm này có xu hướng tập trung vào thu hút và cung cấp tài chính cho các nền kinh tế bên ngoài. Hoạt động chủ yếu của các trung tâm này là tương tác với nhiều thị trường khác nhau trên thế giới để huy động và phân bổ nguồn vốn.
Trong khi đó, trung tâm tài chính quốc tế “chủ cầu” có khuôn khổ pháp lý tương đối nhất quán với môi trường chính sách trong nước, có xu hướng tập trung vào cung cấp tài chính cho nhu cầu phát triển chung của quốc gia. Với ưu thế cạnh tranh bằng lợi suất, trung tâm này tạo ra một lực cầu quy mô lớn và lợi suất hấp dẫn. Các nhà đầu tư quốc tế khi đến với các trung tâm tài chính quốc tế này có xu hướng tuân thủ khuôn khổ pháp lý theo cách tiếp cận cân đối rủi ro và mức sinh lợi hấp dẫn.
Trên thực tế, các trung tâm tài chính quốc tế luôn có cả hai yếu tố cung - cầu và tỷ trọng tương đối cũng có sự thay đổi theo thời gian. Đối với Việt Nam, các cách đi này có thể là gợi ý. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu vốn lớn.
Khi đã xác định được hướng đi phù hợp, Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình thực hiện, dựa trên 5 nhóm tiêu chí đánh giá các trung tâm tài chính quốc tế theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFCI), bao gồm: môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái tài chính và thương hiệu hay danh tiếng của nơi có trung tâm tài chính quốc tế.
Các nhà đầu tư quốc tế luôn cần một môi trường kinh doanh dựa trên luật pháp rõ ràng và nhất quán, vì thế, môi trường kinh doanh là lĩnh vực cần cải cách sâu rộng để tương thích với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện, vượt trội cho trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, bao gồm các chính sách tiền tệ, tỷ giá. Việt Nam đã phối hợp thực hiện các cơ chế chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và có thể phát huy hiệu quả hơn khuôn khổ pháp lý trong quá trình thực hiện.
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng tiêu chí này, Việt Nam cần có chính sách toàn diện để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong nước và thu hút các chuyên gia quốc tế tham gia vào thị trường tài chính.
Cơ sở hạ tầng thị trường vững chắc là một trong những yếu tố quan trọng để giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả hoạt động, giảm thời gian chậm trễ, đặc biệt là với các trung tâm tài chính quốc tế có mối liên kết với thị trường tài chính ở nhiều múi giờ khác nhau. Ngoài hạ tầng thông tin và tài chính, hạ tầng giao thông và đô thị cũng góp phần nâng cao hiệu quả vận hành nói chung của các tổ chức tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế.
Trung tâm tài chính quốc tế cũng đòi hỏi phải có hệ sinh thái tài chính đặc thù. Việc hình thành hệ sinh thái các dịch vụ đa dạng của ngành tài chính không chỉ là các dịch vụ tài chính đa dạng, với các giao dịch xuyên quốc gia, mà đặc biệt là các dịch vụ bổ trợ như xếp hạng tín nhiệm, tư vấn pháp lý, kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế…
Thương hiệu và danh tiếng của thành phố nơi có trung tâm tài chính cũng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Đây là yếu tố tổng hoà, thể hiện độ tin cậy và sức hấp dẫn của trung tâm tài chính, qua đó, hỗ trợ các yếu tố nêu trên phát triển mạnh hơn. Các yếu tố này có thể được thể hiện qua hiệu lực quản trị, năng lực đổi mới sáng tạo, định vị chiến lược trong cạnh tranh toàn cầu và khu vực, môi trường văn hoá - xã hội…
Xin ông chia sẻ thêm kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính quốc tế từ các quốc gia trên thế giới?
Việc hình thành các trung tâm tài chính quốc tế như Dubai, Tokyo, New York, London hay Mumbai… cho thấy kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới rất đa dạng. Có trung tâm tài chính phát triển tự phát, không cần có chiến lược hỗ trợ, nhưng cũng có trung tâm tài chính được phát triển với chính sách tập trung, mục tiêu cụ thể. Kết quả của các nỗ lực phát triển các trung tâm tài chính quốc tế của các quốc gia cũng đạt mức độ thành công khác nhau.
Tuy nhiên, không nhất thiết thành công ở một quốc gia này lại có thể lặp lại ở một quốc gia khác. Nói cách khác, không có mô hình hay công thức áp dụng chung cho mọi quốc gia. Điều quan trọng là trung tâm tài chính quốc tế phát triển được trong điều kiện và hoàn cảnh đặc thù. Có thể điểm qua một vài khía cạnh có thể có giá trị tham khảo cho Việt Nam như sau:
Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là một quá trình, với cam kết dài hạn và chiến lược định vị phù hợp. Trong giai đoạn phát triển đó, sự ổn định về định hướng chiến lược, lộ trình cải cách rõ ràng với hiệu quả thực hiện cao sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh. Cam kết chính trị đôi khi cũng được thể hiện ở các biện pháp hỗ trợ tài khoá, có tác dụng tích cực thúc đẩy giai đoạn phát triển ban đầu. Tuy nhiên, để duy trì được sự phát triển lâu dài của trung tâm tài chính, vẫn cần có cải cách sâu rộng để nâng cao hiệu quả thị trường.
Các chính sách hỗ trợ có thể có tác dụng tích cực, nhưng không nhất thiết quyết định mức độ thành công. Tương tác với thị trường và tạo ra giá trị cạnh tranh là yếu tố quan trọng, kết hợp với quy mô và không gian phát triển để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.