Qua sự kiện này, các nước thành viên EWEC (gồm Việt Nam , Lào, Thái Lan và Myanmar ) đã chính thức công bố hoàn thành việc kết nối giao thông trong khu vực và bước sang giai đoạn liên kết hợp tác toàn diện, đưa kinh tế EWEC phát triển lên tầm cao mới.
Tiềm năng kinh tế EWEC đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để “đánh thức” tiềm năng đó để EWEC phát triển tương xứng với chính cái tên của nó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo các nước thành viên cũng như doanh nghiệp thuộc EWEC.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cho rằng, trong tương lai, EWEC sẽ hiện hữu một hành lang kinh tế với sự trao đổi hàng hoá nhộn nhịp, dòng du lịch tấp nập, sự hợp tác kinh tế giữa các địa phương, các nước diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các nước thành viên cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp về chính sách cũng như những sáng kiến cụ thể để khai thác tốt hành lang kinh tế này. “Chính phủ các nước cần phải làm gì để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Các địa phương phải làm thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của giới doanh nghiệp, các nhà đầu tư... Đồng thời, chính phủ các nước tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó xây dựng những chính sách phù hợp hơn nữa... Đó chính là những vấn đề mấu chốt để xây dựng một EWEC thịnh vượng”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hoá trong khu vực, vấn đề then chốt cần làm ngay là tìm ra những giải pháp tốt nhất để kiện toàn các thủ tục hải quan qua cửa khẩu giữa các nước. Đây được xem là “chìa khoá” cho giao thương tự do trong khu vực cũng như hỗ trợ định hướng liên kết phát triển du lịch giữa các nước thuộc EWEC.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavad cho rằng, thủ tục visa qua cửa khẩu các nước thuộc EWEC tạo ra hạn chế không nhỏ đối với dòng khách du lịch. Vì vậy, việc hướng đến xây dựng cơ chế sử dụng một visa áp dụng cho 4 nước sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp “khơi thông” tuyến hành lang. Điều đó không chỉ hỗ trợ riêng cho ngành du lịch, mà còn tác động tích cực trong lĩnh vực lưu thông hàng hoá qua các cửa khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tuyến hành lang này. Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết thêm, các nước thành viên EWEC nên khuyến khích phát triển những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chất lượng cao với chi phí thấp. Không những thế, các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ, như cung cấp xăng dầu, khách sạn, nhà hàng... dọc tuyến hành lang nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu lưu thông trên tuyến đường này.
Trên thực tế, EWEC không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các nước dọc hành lang thông qua việc liên kết hợp tác đầu tư để cùng phát triển, mà còn định hướng cho chiến lược phát triển rộng hơn trong khuôn khổ các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong (GMS). Nhận định về vấn đề trên, ông Tetsuo Shioguchi, Giám đốc điều hành Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho rằng, EWEC sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận tải cho các nước trong khu vực, góp phần hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá không chỉ của các nước thành viên, mà còn đối với cả GMS rộng lớn. Bên cạnh hỗ trợ tài chính cho việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, JBIC còn sẵn sàng tư vấn các giải pháp trong việc thành lập cơ chế quản lý, thúc đẩy lưu thông... “Trong tương lai, EWEC sẽ ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong GMS. Vì vậy, JBIC rất muốn hỗ trợ để chuyển hành lang này thành một hành lang kinh tế phát triển thông qua hỗ trợ cải cách thể chế chính sách và đẩy mạnh phân phối hàng hoá hiệu quả trong Hành lang”, ông Shioguchi cho biết thêm.
Để tìm ra những giải pháp tối ưu tạo bước đột phá nhằm đưa EWEC từ hành lang giao thông đến hành lang kinh tế phát triển, đòi hỏi phải có thời gian. Vấn đề thủ tục hải quan chỉ là một phần trong cơ chế chính sách và để EWEC thật sự trở thành khu vực kinh tế năng động trong tương lai thì chính phủ các nước thành viên, cộng đồng doanh nghiệp thuộc EWEC sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Chính vì lẽ đó, Tuần lễ EWEC 2007 lần này mới chỉ là “bước chạy đà” cho chặng đường dài phía trước.