Ngày 22/10, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết nước này sẽ chặn bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty Hungary.
Theo hãng tin TASS của Nga, tại một cuộc họp báo, ông Gulyas tuyên bố Hungary sẽ tiếp tục phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với khí đốt của Nga, nếu điều này ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty của Hungary.
Ông lưu ý đây không phải là một “hành động có đi có lại” với Nga và các hợp đồng khí đốt với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga không liên quan đến quan điểm của Hungary về cuộc xung đột tại Ukraine.
Quan chức Chính phủ Hungary giải thích rằng nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, vì chúng không góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine và chỉ gây tổn hại cho chính các nước châu Âu.
Ông Gulyas kêu gọi Mỹ và EU tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, cho rằng đó là cách duy nhất để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã tiến hành các biện pháp trừng mạnh đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, khiến giá điện, khí đốt... tại châu Âu tăng cao.
Bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu vẫn tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả việc áp dụng giới hạn giá dầu và khí đốt.
Ngày 6/10 vừa qua, EU đã áp đặt gói trừng phạt mới nhất đối với Nga, mở rộng các lệnh cấm đối với thương mại và các cá nhân của nước này. Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ 8 mà EU áp đặt đối với Nga, sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay.
Cụ thể, các biện pháp trừng phạt này gồm cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy và các hàng hóa khác từ Nga cũng như cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga.
EU cũng cấm nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá từ Nga. Ngoài ra, EU cũng sẽ áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga và đưa hàng chục cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt.
Tuy nhiên, giới chức EU cho biết cần thảo luận nhiều chi tiết trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU trước khi việc áp giá trần đối với việc vận chuyển bằng đường biển dầu mỏ của Nga đến các nước thứ 3 có hiệu lực.