HT1 trong vòng xoáy nợ nần

(ĐTCK)Trong 9 tháng đầu năm 2013, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đạt gần 4.603 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận gộp 989 tỷ đồng, nhưng với gánh nặng lãi vay đã khiến HT1 lỗ gần 73 tỷ đồng.  
HT1 trong vòng xoáy nợ nần

HT1 trong vòng xoáy nợ nần ảnh 1

Theo giải trình của HT1, nguyên nhân chủ yếu khiến Công ty thua lỗ trong quý III là do trong quý này, Công ty có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 117 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với cùng kỳ. 

Báo cáo tài chính quý III/2013 của HT1 cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9/2013, với vốn điều lệ 1.980 tỷ đồng nhưng HT1 đang có tổng nợ phải trả lên đến 11.140 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay của HT1 lên tới 604 tỷ đồng.

Hiện tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HT1 ở mức 5,88 lần, nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 2,45 lần. Hàng tồn kho lên tới 945 tỷ đồng, chiếm tới 59,7% tài sản ngắn hạn. Những con số này cho thấy, tình hình tài chính của HT1 đang trong tình trạng đáng báo động.

Nhìn lại báo cáo tài chính (BCTC) của HT1 từ năm 2011 đến nay, có thể thấy, doanh thu thuần của Công ty đã có sự tăng trưởng rõ rệt, từ mức 2.816 tỷ đồng năm 2009 lên 5.280 tỷ đồng (năm 2011) và 5.825 tỷ đồng (2012).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm, thậm chí âm do ảnh hưởng nặng nề của việc vay nợ quá nhiều. Tổng nợ phải trả của HT1 đã tăng rất nhanh, từ mức 6.094 tỷ đồng (năm 2009) lên 9.985 tỷ đồng (năm 2010) và hơn 11.000 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay. Việc HT1 công bố kết quả lỗ trong quý III/2013 có lẽ không phải là điều bất ngờ với nhiều cổ đông.

Trước tình hình đó, ĐHCĐ bất thường HT1 hồi tháng 8 đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) với giá bán bằng mệnh giá.

Toàn bộ cổ phiếu phát hành không thu tiền mặt mà để  cấn trừ nợ dài hạn hơn 1.200 tỷ đồng mà HT1 nợ công ty mẹ. Nếu đợt phát hành thành công, BCTC HT1 sẽ “đẹp” hơn khi xóa khoản nợ 1.200 tỷ đồng và vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng, lên mức 3.180 tỷ đồng và khi đó tỷ lệ sở hữu của Vicem tại HT1 được nâng từ 67,38% lên 79,69%.

Dẫu xóa được khoản nợ tới 1.200 tỷ đồng, nhưng con số này chưa thấm tháp vào đâu so với tổng  nợ hơn 11.000 tỷ đồng mà HT1 đang phải “oằn lưng” gánh. Vậy, ngoài giải pháp chuyển nợ thành vốn cổ phần như đã áp dụng với công ty mẹ Vicem, liệu HT1 còn cách nào khác để giảm gánh nặng nợ?

Với nguồn thặng dư vốn cổ phần không đáng kể, khoảng 70,79 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2013, phương án phát hành thêm cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần có lẽ sẽ không khả thi. Phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu ở thời điểm này cũng quá khó, khi mà các chỉ số tài chính của HT1 đều thể hiện rủi ro cao và thị giá của cổ phiếu HT1 đang thấp hơn mệnh giá khá nhiều (5.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 5/11/2013) nên khó hấp dẫn được nhà đầu tư.

Sau hơn 4 năm “sống chung” với nợ khủng, đã đến lúc, HT1 cần có những cổ đông chiến lược mới, có kinh nghiệm trong việc xử lý nợ, từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Công ty, thay vì chỉ có một cổ đông chiếm gần 80% vốn, nhưng lại chưa có được những đóng góp tương xứng để HT1 có bước đột phá.

Phan Hằng
Phan Hằng

Tin cùng chuyên mục