HSC nói gì với cổ đông?

(ĐTCK) Pháp luật không bắt buộc các DN phải đưa thông điệp của Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc vào báo cáo thường niên (BCTN), nhưng cũng chính vì thế nên rất dễ nhận biết lãnh đạo DN nào “chăm chút” cho các thông điệp của mình.
Trang bìa BCTN của HSC với hình ảnh các vòng tròn tạo sóng thể hiện sự lan tỏa tích cực từ các hoạt động của Công ty
Trang bìa BCTN của HSC với hình ảnh các vòng tròn tạo sóng thể hiện sự lan tỏa tích cực từ các hoạt động của Công ty

Có lẽ không nhiều lãnh đạo DN dành thời gian để tự tay ngồi viết thông điệp cho cổ đông như ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC). Thông điệp của ông dài đến 5 trang giấy và có nhiều thông tin đáng quan tâm.

Ngay phần mở đầu, ông Johan cho biết, nếu nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu của HSC (HCM) từ đầu năm 2013 thì suất sinh lợi tổng cộng trong năm là 51%, trong đó 25% đến từ việc chia cổ phiếu cộng cổ tức 2.000 cho mỗi cổ phần và phần tăng giá của cổ phiếu. Đây là một kết quả vượt bậc ngay cả khi so với suất sinh lợi của thị trường thể hiện qua mức tăng 22% của VN-Index thuộc hàng cao nhất trong số các TTCK trên thế giới trong năm 2013.

Thông tin mà ông Johan cung cấp chắc chắn khiến cổ đông quan tâm hơn là các thông tin chính sự và tình hình kinh tế thế giới, hay những vấn đề rất “vĩ mô” như GDP, lạm phát, lãi suất, tổng phương tiện thanh toán, cán cân thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự trữ ngoại hối, thâm hụt ngân sách…

Cổ đông biết HSC đứng đầu về môi giới trong năm 2013 với thị phần tính chung cả 2 sàn là 12,2%, nhưng không phải ai cũng biết được con số tính riêng cho từng đối tượng khách hàng (tổ chức và cá nhân, trong nước và nước ngoài)? Trong thông điệp, ông Johan cho biết, HSC chiếm đến 32% thị phần môi giới cho khách nước ngoài. Thị phần môi giới cho các đối tượng còn lại được trình bày chi tiết trong phần sau của BCTN.

Ông Johan không ngại nêu đích danh các cổ phiếu mà HSC đã thu xếp cho nhà đầu tư nước ngoài qua các giao dịch thoả thuận. Đó là VNM, FPT, KDC và MSN. HSC cũng đứng ra mua thoả thuận cổ phiếu chưa niêm yết như Sabeco cho các bên.

Cổ đông thường có thể biết tự doanh đóng góp bao nhiêu phần trăm vào tổng doanh thu của một CTCK qua báo cáo tài chính, nhưng hầu như không thể tính được tỷ lệ đóng góp của mảng hoạt động này vào lợi nhuận ròng do cách hạch toán khá phức tạp. Ông Johan cho biết, con số này của HSC trong năm 2013 là 29%; tính ra với lợi nhuận ròng hơn 282 tỷ đồng thì mảng tự doanh đã đóng góp đến gần 82 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, HSC không coi đó là mảng kinh doanh chính. Ông Johan viết: “Chúng tôi khẳng định rằng, mặc dù HSC nắm bắt cơ hội đầu tư kịp thời và quản trị rủi ro một cách thận trọng, đầu tư tự doanh vẫn không phải là một mảng kinh doanh cốt lõi của HSC”.

Lợi nhuận tự doanh đến từ đâu cũng được nói rõ: phần lớn là từ đầu tư vào các chứng chỉ quỹ như VFMVF1, VFMVF4, PRUBF1 và MAFPF1. HSC đã mua vào khi thấy giá của chúng đang bị chiết khấu 15 - 25% trên giá trị tài sản ròng và sau đó bán lại cho các quỹ (redeem).

Đối với kế hoạch năm 2014, ông Johan cho biết, tiếp tục áp dụng chiến lược cơ hội nhưng sẽ hạn chế sử dụng nguồn vốn cổ đông để đầu tư. Theo đó, danh mục đầu tư sẽ được giới hạn ở mức tối đa 20% vốn chủ sở hữu. Năm 2013, số tiền đầu tư tự doanh trung bình là 314 tỷ đồng, suất sinh lợi thu được là 35%.

Bên cạnh các thông tin tài chính, ông Johan còn chia sẻ xa hơn với cổ đông về các dự án quản trị DN, quản trị rủi ro và định hướng phát triển bền vững của HSC. Ông khẳng định: “HSC chủ động và tích cực đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội mà chúng ta đang trưởng thành trong đó”.

Bà Phạm Thị Phương Lan, Giám đốc truyền thông của HSC nói: “Sự tâm huyết của Tổng giám đốc Johan thực sự đã lan toả đến nhân viên trong công tác thực hiện BCTN. Thông điệp của Tổng giám đốc cũng như các thông tin cung cấp trong BCTN thể hiện quan điểm xuyên suốt của HSC là công khai và minh bạch, qua đó cổ đông có thể thực hiện quyền làm chủ của mình một cách đầy đủ nhất”.

Về cuộc bình chọn BCTN do Sở GDCK TP. HCM và Báo Đầu tư tổ chức, bà Lan nói: “Chúng tôi vinh dự là một trong số DN niêm yết đáp ứng được các tiêu chí về BCTN của Ban tổ chức với mức độ phù hợp ngày càng cao. Cuộc bình chọn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như IFC, ACCA và GRI… đặc biệt trong 2 - 3 năm gần đây đã nâng cao tính chuyên nghiệp của giải thưởng”. Thực tế, HSC còn đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc bình chọn BCTN khác như LACP và ARC. Gần đây nhất, Công ty đoạt Giải Vàng trong hạng mục “Written Text” và các danh hiệu khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Giải thưởng BCTN quốc tế ARC 2013; Giải Bạc và 3 giải thưởng khác trong ngành tài chính - thị trường vốn tại Giải thưởng BCTN quốc tế LACP Vision Awards 2012.

Bà Lan nói: “Sự chuyên nghiệp và tính minh bạch rất quan trọng đối với một tổ chức chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư và các DN, chuyên phân tích tình hình hoạt động của các DN như HSC. Nhà đầu tư có thể tự đánh giá HSC qua chính những gì HSC đã làm trong BCTN của mình”.

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục