HSC chia sẻ “Thực đơn dài hạn” trong giông bão chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại hội thảo trực tuyến “Hạ cánh an toàn trong giông bão” diễn ra chiều ngày 27/10, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đã chia sẻ “thực đơn dài hạn” gồm 30 cổ phiếu phù hợp đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán ở thời điểm các rủi ro liên quan đến vĩ mô vẫn tiếp diễn.
Các chuyên gia của HSC tại hội thảo "Hạ cánh an toàn trong giông bão" Các chuyên gia của HSC tại hội thảo "Hạ cánh an toàn trong giông bão"

Rủi ro vĩ mô

Ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô HSC đã chỉ ra các rủi ro liên quan đến vĩ mô đối với thị trường tài chính bao gồm lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, thương mại và thanh khoản.

Ông Long cho biết, lạm phát gia tăng khiến các ngân hàng trung ương ưu tiên kiểm soát lạm phát, có nghĩa là sẵn sàng hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát.

Mỹ đặt mục tiêu lạm phát về dưới 2% trong năm 2023 bằng cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, có thể thấy, chúng ta đang ở chu kỳ cuối của chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ, thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ không tăng quá 5%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng lãi suất cơ bản 2 lần trong vòng 1 tháng, mỗi lần 100 điểm cơ bản.

Điều này đã tác động rõ rệt đến thị trường chứng khoán trong tháng 10 vừa qua và việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm nay, Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế trên 8%, nhưng năm sau không được tốt như vậy, một số tổ chức đã dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ ở mức 6%.

“Khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ còn tiếp diễn, tăng trưởng toàn cầu đang chững lại và gần như chắc chắn sẽ còn chậm hơn nữa. Chính mức độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã phản ánh vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây”, ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục mạnh lên - mức cao nhất trong 20 năm, khiến các đồng tiền trên toàn cầu trượt dốc, sự mất giá của VND tương đối ổn định so với các đồng tiền khác.

Mặt khác, sự bùng nổ thương mại toàn cầu có vẻ sẽ giảm dần do nguy cơ suy thoái tại hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam là EU và Mỹ có thể xảy ra vào năm 2023. Đồng thời, việc Trung Quốc chưa từ bỏ chính sách Zero Covid, tạo thêm các tác động tiêu cực kép tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại. Trong khi đó, mấy tháng gần đây thương mại Trung Quốc đều tăng trưởng yếu.

Về thanh khoản, trong môi trường thắt chặt chính sách tiền tệ, kèm theo đó là tác động kép tại Việt Nam, sự can thiệp trên thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá dẫn đến thiếu hụt thanh khoản trên thị trường. Có thể thấy, sự phản ứng mang tính tương quan mỗi khi lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian dài, thị trường chứng khoán sẽ tiêu cực. Trong giai đoạn 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh 1.200 về 900 điểm, đây cũng là thời điểm lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, song hiện nay còn cao hơn, có thời điểm lên đến 10%.

Tuy nhiên, chuyên gia HSC khẳng định, thị trường chứng khoán là thị trường của tương lai, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy trước khi suy giảm xảy ra trong một quãng thời gian. Vào giai đoạn 2020, quý II là quý có tăng trưởng yếu nhất trong năm đó, nhưng thị trường đã tạo đáy vào quý I. Mặt khác, sự sụt giảm cũng đi đồng pha với sụt giảm thanh khoản, khi thanh khoản có dấu hiệu cải thiện, có lẽ thị trường sẽ tạo mức giá hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư mới tham gia.

Và cơ hội

Đối với việc phân tích rủi ro từng nhóm ngành, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân cho biết, HSC đã chia ra các nhóm có rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao.

Trong đó, nhóm rủi ro cao nhất là nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và việc các điều kiện tài chính bị bó hẹp đẩy nhanh trong cuối quý III và quý IV, kéo dài sang cả 2023 có thể khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này được thể hiện rõ nét hơn.

Nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng, nhưng trong bối cảnh bất ổn, thanh khoản là vấn đề lớn. Nếu theo dõi kết quả kinh doanh quý III của các ngân hàng, có thể thấy xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bắt đầu thể hiện và tỷ lệ bao phủ nợ xấu bắt đầu giảm dần

Ngành chứng khoán đối diện với rủi ro lớn nhất là thanh khoản. Trong 2 năm vừa qua, các công ty chứng khoán đã liên tục nâng vốn, nếu thanh khoản không cải thiện thì rủi ro liên quan đến pha loãng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của nhóm này.

Với nhóm bất động sản, HSC cho rằng khó khăn sẽ tiếp tục trong ngắn hạn, khi môi trường lãi suất ở mức cao cũng như việc đầu cơ khiến Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể nới được room tín dụng.

Ngành chịu ít tác động nhất theo HSC là bảo hiểm, y tế, công nghệ thông tin, tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ tiện ích (gas, điện) là những nhóm ngành hiện vẫn có dòng tiền khá ổn định để có thể có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến chi trả nợ vay và có thể được hưởng lợi từ doanh thu tài chính trong môi trường lãi suất cao.

Nhóm năng lượng, dầu khí và vật liệu hóa chất có tỷ suất sinh lời và lợi nhuận có vẻ đã đạt đỉnh khi mà giá từng loại hàng hóa đang dần về mức trước Covid-19. Dù vậy, điểm cộng của nhóm ngành này là không bị ảnh hưởng tỷ giá, lãi suất và lạm phát tăng cao. Các doanh nghiệp được HSC theo dõi trong nhóm ngành này đang có bảng cân đối kế toán khá lành mạnh và ngoại tệ lớn.

Từ những phân tích trên, bà Minh cho rằng, lưu ý khi lựa chọn cổ phiếu năm 2023, chú ý đến các doanh nghiệp trong 2 năm Covid-19 kéo dài được hưởng lợi lớn từ nhu cầu bị dồn nén, cũng như mặt bằng giá tăng cao khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá tăng cao.

Đến cuối năm 2022, nhu cầu sẽ giảm dần do liên quan đến suy thoái và lạm phát. Điều này sẽ làm lộ diện các doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng cao và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp trong năm 2023 nếu cầu tiêu dùng không cao. Báo cáo tài chính quý III chưa phản ánh hết điều này mà còn cần đợi đến báo cáo tài chính quý IV để thấy tác động của hậu Covid và tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính đến các nhóm ngành.

“Nếu như nhìn về định giá thị trường chứng khoán Việt Nam, có vẻ chúng ta đang chứng kiến mức sụt giảm rất lớn, trên 30% và rất nhiều thông tin xấu được phản ánh, rủi ro vĩ mô và rủi ro vi mô của doanh nghiệp. Đến năm 2023, nếu so sánh với mức tăng trưởng nóng của năm 2022 sẽ thấy rất nhiều nhóm ngành sẽ giảm tốc”, bà Minh nói.

Đặc biệt, nhóm ngành ngân hàng và nhóm ngành bất động sản chiếm đến 50% tỷ trọng thị trường chứng khoán Việt Nam và 2 nhóm ngành này đang chiếm nhiều rủi ro nhất khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh.

Nhưng đây là thời điểm thị trường rung rắc mạnh, các rủi ro vĩ mô đang được phản ánh cũng dần mở ra những cơ hội dài hạn đối với các nhà đầu tư. HSC đã đưa ra danh sách “thực đơn dài hạn” bao gồm 30 cổ phiếu tiềm năng được chia thành các nhóm ngành cụ thể để nhà đầu tư lựa chọn khi muốn tham gia thị trường ở thời điểm này.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục