HSBC: Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quý II/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo “Dữ liệu Việt Nam tháng Tư" của HSBC vừa công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục hứng chịu các thách thức thương mại ngày càng tăng.
HSBC: Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quý II/2023

Tốc độ phục hồi du lịch lên 62% so với năm 2019

Theo HSBC, xuất khẩu tháng 4 giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm tới 13% so với cùng kỳ. Do đó, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại một tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (Industrial production – IP) cũng phản ánh tình trạng tương tự, với IP sản xuất sụt giảm 14% so với cùng kỳ.

Trong nước, doanh số bán lẻ tăng 11,5% so với cùng kỳ trong tháng 4, phản ánh động lực trong tiêu dùng trong nước. Cụ thể, các dịch vụ liên quan du lịch (ví dụ như lưu trú và ăn uống) tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi du lịch vẫn đang tiếp diễn, với tốc độ phục hồi du lịch lên 62% so với mức năm 2019.

Áp lực về giá tiếp tục giảm bớt, với lạm phát toàn phần tháng 4 giảm 0,3% so với tháng trước. Điều này giúp chỉ số lạm phát ở mức 2,8% so với cùng kỳ, nhờ lạm phát lương thực giảm và chi phí năng lượng hạ nhiệt.

Vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

HSBC cho biết, sau kết quả GDP quý I/2023 không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trên mặt trận thương mại.

Là một quốc gia chịu tác động từ chu kỳ thương mại toàn cầu, những khó khăn ngoại cảnh đã giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, sau khi giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I/2023, xuất khẩu tiếp tục mức giảm hai con số, với chỉ số tháng 4 thấp hơn 11,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, khó khăn đang diễn ra trên diện rộng, với các ngành xuất khẩu chính như dệt may/giày dép, điện thoại thông minh và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm đáng kể. Tuy vậy, điểm sáng duy nhất trong dữ liệu tháng 4 là các sản phẩm máy tính, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Đây là một bất ngờ phát sinh do hiệu ứng cơ sở, chứ không phải do chu kỳ công nghệ chạm đáy. Trong khi các chỉ số chính như PMI cho thấy các dấu hiệu ổn định đầu tiên, sẽ mất một thời gian cho tới khi chu kỳ điện tử toàn cầu hồi phục. Việt Nam không đơn độc trong hoàn cảnh này, các khu vực như Đài Loan và Hàn Quốc cũng tiếp tục gặp khó trong tình trạng ảm đạm hiện nay của ngành điện tử.

Báo cáo cho rằng, mặc cho những khó khăn trong thương mại hàng hóa, ngành dịch vụ tiếp tục đóng góp sự hỗ trợ cần thiết. Gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4, chủ yếu là nhờ lượng khách Trung Quốc tăng 70% so với tháng trước. Sự phục hồi tích cực này là nhờ những hạn chế được dỡ bỏ, và Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách các điểm đến tổ chức du lịch theo đoàn từ giữa tháng 3.

"Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc, vốn chiếm tới 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ trước Covid, vẫn đang phục hồi với tốc độ còn chậm, mức độ phục hồi chỉ đạt 25% lượng khách cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, một nguồn khách du lịch lớn khác là Hàn Quốc, đã hồi phục đến 77%", Báo cáo nhận định.

Mặc dù ngành du lịch có hỗ trợ một phần, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay. Trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện thông qua sự tăng trưởng tín dụng cực kỳ chậm chạp. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% và việc NHNN hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4, chỉ đạt phân nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, phản ánh những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế.

Theo HSBC, gần đây, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt các hỗ trợ chính sách, gồm có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giảm 2% thuế VAT cho đến cuối năm 2023 và kế hoạch tái cấu trúc một số khoản vay. Kết quả ghi nhận đã xuất hiện một số dấu hiệu ban đầu về việc nới lỏng lập trường chính sách đối với ngành bất động sản, lĩnh vực đã đối mặt với khủng hoảng thanh khoản từ tháng 10 năm ngoái.

Dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng lạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn. Lạm phát toàn phần giảm 0,3% so với tháng trước, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5% của NHNN. Lý do đầu tiên là lạm phát thực phẩm tiếp tục giảm, nhờ giá thịt heo giảm 1,6% so với tháng trước.

Trong khi đó, giá năng lượng lại cho thấy những xu hướng trái chiều. Cụ thể, trong khi chi phí vận tải tăng nhẹ do giá dầu cao, các loại lạm phát năng lượng khác như điện và gas lại giảm, do đó vẫn cần thận trọng với lạm phát phía nhóm cung. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và tăng giá điện của EVN vẫn chưa cho thấy tác động cụ thể.

"Việt Nam tiếp tục đối mặt với các thách thức trong quý II/2023 sau những kết quả kinh tế của quý I không mấy khả quan. Dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt mức 5,2%", HSBC nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục