NHNN liên tiếp tăng lãi suất
Theo HSBC, đồng Việt Nam đã giảm khoảng 8% tính đến thời điểm hiện tại so với đồng USD, tháng 10 ghi nhận mức biến động thực tế tăng cao. Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng đã dẫn tới NHNN một lần nữa có động thái mạnh tay. Có hiệu lực từ 25/10, NHNN nâng lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 100 điểm cơ sở lên tương ứng 4,5% và 6,0%, phù hợp với dự báo của HSBC.
Các lãi suất khác cũng được điều chỉnh tăng: lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 100 điểm cơ sở lên 7,0% và trần lãi suất tiền gửi đối với tiền đồng tại các ngân hàng thương mại tăng 50 điểm cơ sở lên 1,0% tùy kỳ hạn. Trong thông báo của NHNN, cơ quan này đã nhắc đến những đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc đồng USD mạnh lên, nhấn mạnh áp lực không ngừng đối các ngân hàng trung ương châu Á.
Trước đó, NHNN đã tăng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5%, giảm bớt áp lực lên việc sử dụng dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm 16% tính tới tháng 8 kể từ đỉnh tháng 1/2022. Trong bối cảnh các rủi ro gia tăng, NHNN đã có các động thái chủ động nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và xoa dịu lạm phát.
|
Dự báo của HSBC |
“NHNN đã đưa ra nhiều động thái mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn, làm dấy lên dư luận về khả năng tăng biên độ tỷ giá lần nữa cho thấy chu kỳ tăng lãi suất vẫn còn chưa kết thúc. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở ở cả quý I và II/2023, nâng lãi suất điều hành lên 7,0% vào giữa năm 2023”, chuyên gia HSBC nhận định.
Lạm phát vượt mức 4%
Báo cáo cho biết, lạm phát toàn phần tháng 10 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 4% do NHNN đặt ra và phù hợp với dự báo của HSBC (HSBC: 4,3%, Bbg: 4,4%). Giá thực phẩm tiếp tục tăng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và phần nào phản ánh tác động của một số cơn bão và tình trạng mất mùa. Nhà cửa và xây dựng cũng tăng đáng kể, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và thể hiện xu hướng tăng trong nhu cầu thuê, dịch vụ sửa chữa và vật liệu nhà cửa.
|
Trong khi chi phí vận tải không đóng góp nhiều vào tăng trưởng lạm phát toàn phần so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá xăng vẫn ở mức thấp hơn từ đầu năm nay, quan sát dữ liệu liên tục cho thấy giá cũng bắt đầu tăng nhẹ. Báo chí trong nước cũng đã đăng tin các trạm xăng gặp khó khăn trong việc nhập xăng...
“Như vậy, những sự kiện này nhấn mạnh rủi ro về tăng giá và chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ còn vượt mức 4% trong vài quý tới”, HSBC nhận định.
Kỳ họp Quốc hội thể hiện hỗ trợ chắc chắn đối với nền kinh tế trong nước
Bất chấp viễn cảnh bên ngoài kém khởi sắc cho những tháng cuối năm và xa hơn, tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, HSBC cho biết, Chính phủ đã nhắc đến tăng trưởng GDP trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 8%, vượt mục tiêu chính thức 6,5%. Mục tiêu cho năm tới cũng mạnh mẽ không kém so với các nước châu Á với mục tiêu GDP 6,5% và tỷ lệ lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2023.
Về mặt tài khóa, HSBC dự báo, thu ngân sách cho năm nay được điều chỉnh tăng 202 nghìn tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô tăng lên. Với mức chi dự kiến sẽ ở mức 2.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách năm 2022 do chính phủ ước tính sẽ ở mức khoảng 4,5% GDP.
“Với áp lực lương tăng và phân bổ ngân sách cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023, thâm hụt ngân sách năm 2023 dự kiến ở mức cao là 455,5 nghìn tỷ đồng”, Báo cáo nhận định.
Điểm đáng chú ý, HSBC cho rằng, những gián đoạn do COVID-19 giờ đã nằm lại phía sau đối với Việt Nam nhưng nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa lại sụt giảm, đây là dịp thích hợp để xem lại kế hoạch cơ cấu nhằm cải thiện năng suất lao động. Đây là một vấn đề đặc biệt cần xem xét nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào (có người cho rằng đã bước vào) giai đoạn hậu “dân số vàng”. Tới năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có thu nhập thuộc nhóm trên của các nước thu nhập trung bình của thế giới và nâng GDP bình quân đầu người lên khoảng 7.500 USD.
Giáo dục là vấn đề chính yếu
Theo Báo cáo, Việt Nam đã chuyển dịch đáng kể từ một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thành một trung tâm sản xuất nổi bật. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, chính phủ cần cân nhắc: Một là, giảm chi phí cơ hội đối với giáo dục phổ thông trung học; Hai là, mở rộng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục phổ thông trung học; Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Thực tế cho thấy, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp Quý 3 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7% tính đến cuối Quý 3/2022, tiếp nối đà tăng trưởng kể từ thời điểm giãn cách xã hội trong Quý 3/2021.
|
Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện. Cụ thể, nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ đã hồi sinh đáng kể, Tổng cục Thống kê ghi nhận khu vực này đã tiếp nhận lượng lao động bình quân mới cao nhất. Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lao động đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp trở lại với các công việc phi nông nghiệp và từ việc làm phi chính thức sang chính thức khi các hoạt động ở thành thị sôi động trở lại.
“Vậy tình hình sắp tới thế nào? Kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự chuyển dịch ngoạn mục. Như thể hiện trong Biểu đồ 3, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để thay đổi cơ cấu thị trường lao động, chuyển lao động tham gia ngành nông nghiệp sang ngành sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và khu vực dịch vụ. Thị trường lao động cũng hưởng lợi nhờ “dân số vàng”, với tỷ lệ dân số phụ thuộc luôn dưới 50% kể từ năm 2006”, các chuyên gia kinh tế HSBC nhận định.