Báo cáo nhận định, Việt Nam đang cố gắng phát triển để thoát đói nghèo và thương mại là tấm vé giúp Việt Nam rút ra khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đã có thời gian khổ sở với nạn đói, nhưng giờ đây Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu ròng về lương thực và là quốc gia định giá cho nhiều loại nông sản trên thị trường toàn cầu, từ mặt hàng gạo, đến cà phê.
Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam cũng đang giành được thị phần toàn cầu, với nhãn mác gắn tên "Made in Vietnam” ngày càng phổ biến ở các trung tâm mua sắm trên toàn cầu. Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những nền kinh tế chú trọng về thương mại nhất trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu chiếm 77% GDP vào năm 2013, tăng từ mức 46% vào năm 2001.
“Tất cả điều này có được là nhờ vào tự do hoá thương mại kể từ đầu những năm 1990 đã giúp loại bỏ các rào cản, cả thuế quan và phi thuế quan”, Báo cáo nhấn mạnh.
Đặc biệt, Việt Nam tham gia các buổi đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khối thương mại có thể đại diện cho 40% GDP thế giới. Nếu đàm phán hiệp định thành công, xuất khẩu hàng hoá sản xuất của Việt Nam đến năm 2025 có thể sẽ tăng trưởng hai con số. Chính phủ cũng đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và châu Âu mà kết quả có thể sẽ giảm thuế đối với mặt hàng may mặc.
Dù đạt được nhiều thành công, nhưng HSBC cũng cho rằng, chiến lược hiện tại của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực lao động không bền vững. Nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm dần trong khi tiền lương lao động chắc chắn sẽ tăng lên.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đa phần vẫn là nguyên vật liệu thô và các mặt hàng sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Chính vì vậy, nhân tố đóng vai trò thay đổi đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam là phải giải quyết với những "kẻ thù" từ bên trong như cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics còn nghèo nàn, quản trị chuỗi cưng ứng kém và các thủ tục thương mại rườm rà.
“Những hoạt động cải thiện đang được xúc tiến đối với các hành lang vận chuyển, thủ tục hải quan, chuỗi cung ứng cho sản xuất và nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến và hàng hoá sản xuất, giúp những mặt hàng này có thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới”, Báo cáo nhận định.
Thực tế cho thấy, từ dầu thô đến sản phẩm gạo, 90% thương mại quốc tế của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Điều này có nghĩa, dịch vụ logistics cho hoạt động giao thương hiệu quả có thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu.
Báo cáo nhấn mạnh: “Những rào cản thương mại sẽ ngày càng được giải quyết cả về chủ quan lẫn khách quan. Kết quả thành công của hiệp định TPP và hiệp định FTA với châu Âu sẽ giúp hàng hoá của Việt Nam vươn ra tầm xa mới. Những rào cản trong nước cũng sẽ được giảm dần nhờ vào những hoạt động đầu tư có chủ đích xung quanh các cuộc họp về thương mại để giải quyết những vướng mắc, cải tiến hoạt động logistics và Hải Quan và tổ chức lại chuỗi cung ứng… Về lâu dài, điều này sẽ giúp thay đổi sản phẩm Việt Nam cạnh tranh trên trường thế giới”.