HSBC: Ngân hàng Việt Nam cần tăng tốc cải cách để xây dựng vùng đệm vốn, ngăn ngừa các cú sốc trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo HSBC, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh các cải cách đang có để gia tăng nguồn vốn...

HSBC: Ngân hàng Việt Nam cần tăng tốc cải cách để xây dựng vùng đệm vốn, ngăn ngừa các cú sốc trong tương lai

Vay tiêu dùng có độ rủi ro tăng

Báo cáo “Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?” (Vietnam At A Glance - What do banks' balance sheets tell us?) của HSBC vừa công bố cho biết, nợ của hộ gia đình vẫn có khả năng chịu tác động xấu, đặc biệt khi thị trường lao động gặp ảnh hưởng tiêu cực. Dữ liệu bên ngoài vẫn tiếp tục thể hiện tốt, tuy nhiên, cần xem xét những nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 mới gây ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế trong nước.

Theo HSBC, vì tầm quan trọng đối với nền kinh tế, đã đến lúc cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam. Do thiếu những dữ liệu ngân hàng cập nhật nhất, HSBC đã phân tích bảng cân đối kế toán của các ngân hàng quốc doanh (SOE) thuộc "Big 4", vì những ngân hàng này chiếm một nửa tổng dư nợ.

Theo phân tích này, trong khi tăng trưởng nợ hộ gia đình ở mức độ vừa phải vào năm 2020, đòn bẩy tiêu dùng tăng cao vẫn là một mối lo ngại lớn, đặc biệt khi điểm yếu của thị trường lao động vẫn tiếp diễn. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn phần giảm, phần lớn lực lượng lao động đang là lao động phi chính thức, với mạng lưới an sinh xã hội còn ít.

Theo đó, cho vay hộ gia đình tăng đáng kể từ 28% tổng dư nợ “Big 4” năm 2013 lên 46% năm 2020, khiến nợ hộ gia đình tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng kỳ. Tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng mức này vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng từ 41% thu nhập vào năm 2013 lên hơn 100% vào năm 2020.

Quan ngại này đặc biệt lớn khi điểm yếu của thị trường lao động vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn so với các nước cùng khu vực, nhưng sự yếu kém của thị trường lao động vẫn là mối lo ngại đối với sự phục hồi của nhu cầu trong nước.

Nhìn bề ngoài, các chỉ số thất nghiệp trông khá ổn, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,4% trong quý I/2021 từ mức cao nhất là 2,7% trong quý II/2020. Tuy nhiên, việc làm vẫn thấp hơn mức trước đại dịch là 9.350 nghìn người, trong khi mức lương giảm lần đầu tiên trong những năm gần đây.

Hơn nữa, theo HSBC, một phần lớn thị trường lao động của Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực phi chính thức, điều này có thể không được nắm bắt trong số liệu thống kê việc làm chính thức. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực như sản xuất đồ nội thất, dịch vụ nhà hàng và giải trí, nơi người lao động có rất ít mạng lưới an sinh xã hội. Do đó, ngay cả hỗ trợ tài khóa của Việt Nam cũng bị hạn chế, bởi tỷ lệ nợ công so với GDP tăng cao, thì vẫn cần gói tài khóa có mục tiêu cho các hộ gia đình và người lao động dễ bị tổn thương.

Cần tiếp tục cải cách trong lĩnh vực ngân hàng

Các chuyên gia HSBC khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đã bị gián đoạn một phần bởi đại dịch.

"Chúng tôi cũng xem xét hai chỉ số ngân hàng quan trọng: nợ xấu (NPL) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng chúng ta nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là nước ASEAN duy nhất trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Basel II", các chuyên gia HSBC đánh giá.

Đặc biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng quốc doanh vẫn ở mức thấp. Do đó, Việt Nam cần tiến hành các kế hoạch tái cấp vốn và đẩy nhanh việc áp dụng các yêu cầu của Basel II, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020 đến đầu năm 2023.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có thể ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe của khu vực ngân hàng, nhưng HSBC cho rằng, việc tăng tốc cải cách sẽ giúp xây dựng vùng đệm vốn và ngăn ngừa các cú sốc tiêu cực trong tương lai.

Xuất khẩu tốt, nhưng rủi ro vẫn còn

Khi đại dịch bùng phát cách đây 1 năm, Việt Nam đã bước vào trạng thái phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt nhất trong ba tuần. Một năm sau, nhờ vào các biện pháp kiểm soát virus thành công, các chỉ số kinh tế tiếp tục tươi sáng. Xuất khẩu tăng với tốc độ ấn tượng 45% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4/2021. Trong khi đó, PMI tăng tốc lên 54,7 vào tháng 4, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, với tốc độ mở rộng nhanh hơn ở hầu hết các chỉ số phụ, chính. Các nhà sản xuất được cho là đã tăng lượng hàng tồn kho để chuẩn bị cho sản lượng tăng trong những tháng tới, phản ánh niềm tin ngày càng tăng vào sản xuất trong tương lai.

Hiệu ứng cơ sở cũng góp phần tác động, nhưng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù giá dầu thế giới đang tăng, nhưng áp lực lạm phát đã được giảm bớt.

Tuy nhiên, rủi ro Covid-19 vẫn là mối quan tâm lớn nhất khi các ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là với sự xuất hiện của các cụm cục bộ mới. Để đề phòng, các nhà chức trách đã nhanh chóng áp đặt lại một số hạn chế đối với các cuộc tụ tập đông người và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu ở các thành phố lớn. Điều đó cho thấy những thách thức của Covid-19 vẫn tồn tại, có thể gây ra những rủi ro mất lợi nhuận mới đối với sự phục hồi vừa mới chớm của kinh tế trong nước.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục