HSBC: Đồng Việt Nam là một trong số ít loại tiền tệ tăng giá với USD năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau kỳ điều chỉnh hạ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống mức 22.750 đồng/USD từ ngày 11/8, tỷ giá USD/VND tiếp tục vận động theo xu hướng giảm cho đến nay.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Tỷ giá USD/VND đi ngược xu hướng mọi năm

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam, VND là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN.

Với cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó giải toả các quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ, tính từ tháng 6, NHNN đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 375 đồng xuống mốc 22.750 đồng/USD, còn nếu tính từ tháng 11/2019, tổng mức giảm là 450 đồng với 6 lần điều chỉnh. Tính riêng từ đầu năm 2021, tiền Đồng đã tăng giá khoảng 1,47% so với đồng bạc xanh.

Tại thời điểm đầu tháng 9, cặp tỷ giá USD/VND giao dịch quanh mốc 22.760 - 22.770 đồng, là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

"Xu hướng này cũng được cho là đi ngược với những năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so với USD. Mức độ cắt giảm cho đến nay cũng được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, tiếp tục thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN”, ông Khoa nói.

Khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC kỳ vọng, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua, với mục tiêu giảm tỷ giá mua USD thêm. Theo đó, USD/VND được dự báo sẽ giảm từ 22.750 đồng vào cuối quý III xuống 22.525 đồng vào cuối năm 2021. Bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại.

Có nhiều áp lực

Theo ông Khoa, đồng VND có thể đứng trước áp lực lớn trong năm tới khi đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.

Ngoài ra, trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Fed. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm sau.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam thu hẹp xuống còn 0,4 tỷ USD trong quý I từ mức trung bình hơn 3 tỷ USD mỗi quý trong giai đoạn 2019 - 2020 và nhiều khả năng thâm hụt nhẹ trong quý II/2021. Thặng dư thương mại, vốn đã giảm xuống 5,9 tỷ USD trong quý I/2021 từ mức trung bình 6,5 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020, cũng bộc lộ thiếu hụt của tài khoản vãng lai khi tiếp tục thiếu các khoản thu từ khách du lịch. Thâm hụt dịch vụ và dòng thu nhập chính lên tới 8,2 tỷ USD, trong khi dòng tiền liên quan đến kiều hối đạt 2,6 tỷ USD.

Theo ông Khoa, sự suy giảm trong tài khoản vãng lai có thể sẽ mạnh hơn trong tương lai khi cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 4/2021. Trong khi đó, thâm hụt dịch vụ lớn hơn là hậu quả trực tiếp của việc mất doanh thu du lịch. Trước khi COVID-19 bùng nổ, nguồn thu từ du lịch ròng khoảng 5 - 6 tỷ USD, là nguồn thu quan trọng để bù đắp thâm hụt do giao thông vận tải (4 - 5 tỷ USD) và thâm hụt liên quan đến dịch vụ khác (3 - 4 tỷ USD).

Về dòng vốn FDI, ông Khoa cho rằng, các khoản đầu tư FDI từ trước đến nay là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (5,9% GDP). Tuy nhiên, dòng tiền này gần đây đang chậm lại khi mức giải ngân trung bình hàng tháng sụt giảm từ mức 1,8 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 -12/2020, xuống còn 1,6 tỷ USD/tháng trong giai đoạn từ tháng 4 - 7/2021. Đối với dòng vốn danh mục đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trị giá 1,5 tỷ USD trong giai đoạn từ quý I/2020 đến quý I/2021 và việc rút ròng được dự báo có thể gia tăng trong tương lai.

Với các doanh nghiệp, ông Khoa đưa ra 3 lưu ý.

Thứ nhất, những quy định chặt chẽ để phòng chống dịch kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi chi phí duy trì sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp.

Thứ hai, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề trong suốt thời gian dịch bệnh và sẽ gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Tương tự như vấn đề mà nhiều quốc gia khác đã gặp phải, doanh nghiệp sẽ đứng trước nhiều thách thức trong việc thu hút cũng như duy trì các nguồn lợi cho người lao động. Nếu các vấn đề này không được giải quyết, năng lực sản xuất khó có thể quay trở lại giai đoạn trước dịch.

Thứ ba, áp lực lạm phát leo thang, đặc biệt ở giá cả đầu vào cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Chi phí vận hành tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, vô hình trung tạo nhiều áp lực lên giá cả cung ứng nguyên vật liệu, từ đó cũng tạo ra nhiều thách thức đặc biệt với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và khó tăng giá cả đầu ra.

“Đứng trước những khó khăn kể trên, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong vấn đề xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt”, ông Khoa nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục