Ngày 25/2/2015, đích thân hai ông Stuart Gulliver, Giám đốc điều hành (CEO) và Douglas Flint, Chủ tịch HSBC phải đến điều trần trước một cuộc họp đột xuất, khẩn cấp do Tiểu ban Tài chính (thuộc Quốc hội Anh) triệu tập.
Cuộc điều trần kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, thay vì chỉ 45 phút như dự kiến ban đầu. Tại đây, cả hai ông đều đưa ra lời xin lỗi về vụ scandal tại HSBC Chi nhánh Thuỵ Sĩ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2007 (bộ phận này đã giúp hơn 100.000 đối tượng tại 203 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mở tài khoản bí mật nhằm trốn thuế, rửa tiền…).
Tuần trước, các cơ quan chức năng của Thuỵ Sỹ đã khám xét trụ sở HSBC Chi nhánh Thuỵ Sỹ tại Geneve và thu giữ một số tài liệu, hồ sơ liên quan. Thông tin cụ thể về các tài liệu này chưa được tiết lộ. Vụ này được báo giới đặt tên "Swissleaks".
Trong khi số phận của vụ scandal trên còn chưa ngã ngũ, thì tờ Guardian (Người bảo vệ) của Anh số ra ngày Chủ nhật 22/2/2015 lại tung tiếp “quả bom tấn” nhắm vào HSBC, khi tiết lộ thông tin ông Stuart Gulliver có tài khoản bí mật cũng mở tại HSBC Chi nhánh Thuỵ Sỹ dưới danh nghĩa Công ty Worcester Equities Inc. (đăng ký ở Panama), nhưng người thụ hưởng lại chính là ông. Tài khoản có tổng số tiền là 5 triệu bảng Anh (7,7 triệu USD).
Đầu tuần này, HSBC đã công bố kết quả kinh doanh năm 2014. Theo đó, lợi nhuận thuần của HSBC là 13,7 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2013; doanh thu cũng giảm 5%, chỉ đạt 61,2 tỷ USD. Lãnh đạo HSBC thừa nhận, kết quả này là rất đáng thất vọng và là hậu quả của các khoản phạt và đền bù khách hàng lên tới 2,4 tỷ USD, phần lớn là do cáo buộc thao túng tỷ giá và bán bảo hiểm tín dụng cho sai đối tượng.
Trong phiên giao dịch ngay sau đó tại Sở GDCK London (Anh), giá cổ phiếu của HSBC giảm gần 5% xuống còn 5,69 bảng Anh/cổ phiếu.
Trở lại buổi điều trần vào giữa tuần này. Tại đây, ông Douglas Flint thừa nhận: “Việc vi phạm pháp luật này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Lỗi này trước hết và chủ yếu thuộc về ban lãnh đạo HSBC Chi nhánh Thuỵ Sỹ. Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã tiến hành tái cơ cấu sâu rộng và triệt để, đồng thời có nhiều biện pháp chấn chỉnh để quản lý chặt chẽ hơn trước nhiều”.
Ông Douglas Flint giải thích, HSBC hoạt động như mô hình một liên bang; các chi nhánh hoạt động tương đối độc lập, có sự phân cấp rõ ràng, nên việc theo dõi, quản lý từ cấp cao nhất chưa thật sự sâu sát. "Swissleaks" xảy ra trong thời gian từ năm 2005 đến 2007, khi cả hai ông Douglas Flint và Stuart Gulliver đều không ở cương vị Chủ tịch hay CEO.
Đầu tháng 2 vừa qua, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (The International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ) đã công bố thông tin liên quan đến "Swissleaks" dựa trên tài liệu mật do một cựu nhân viên về công nghệ thông tin của HSBC Chi nhánh Thuỵ Sỹ có tên là Herve Falciani cung cấp. Vị này hiện đang sống tại một địa điểm bí mật ở Pháp.
Vấn đề thứ hai là ông Stuart Gulliver phải giải trình về tài khoản bí mật của mình. Ông giải thích, hệ thống máy tính của HSBC trong những năm 90 thế kỷ trước cho phép mọi nhân viên trong ngân hàng có thể truy cập tài khoản của nhau. Vì vậy, năm 1998, khi đang làm việc ở Hồng Kông, ông đã phải mở một tài khoản khác tại HSBC Chi nhánh Thụy Sĩ để giấu các đồng nghiệp hay soi mói về thu nhập của mình. Ông cũng dùng danh nghĩa một công ty đăng ký tại Panama để đảm bảo nhân viên HSBC tại Thụy Sĩ không thể truy cập tài khoản của ông. Việc này diễn ra từ năm 1998 đến 2003, khi ông chuyển từ Hồng Kông đến làm việc tại London.
"Thực sự thì việc này chỉ để tôi có chút riêng tư thôi, chứ không có lợi ích thuế gì hết”, ông Stuart Gulliver nói và cho biết, ông đã đóng thuế đối với phần thu nhập này ở Hồng Kông, đồng thời khai báo đầy đủ các tài khoản trong ngân hàng Thụy Sĩ với cơ quan quản lý thuế của Anh.
Tuy nhiên, cách giải thích này mang nặng tính “tình ngay, lý gian” chưa thực sự thuyết phục mọi người.
Từ khi lên nắm quyền CEO ngày 1/1/2011 đến nay, ông đã chỉ đạo HSBC bán đi 77 mảng kinh doanh, cắt giảm 50.000 việc làm, khoảng 17% nhân lực. Năm 2014, ông được nhận tổng cộng 7,6 triệu bảng Anh tiền lương, thưởng, giảm so với con số 8,03 triệu bảng Anh của năm 2013.
Phát biểu kết thúc phiên điều trần, ông Andrew Tyrie, Chủ tịch Tiểu ban Tài chính của Quốc hội Anh nhấn mạnh: “Tiểu ban Tài chính cần sự tái cam kết của HSBC để những vụ scandal tương tự không được phép lặp lại”.