HSBC: Chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam cao nhất trong 3,5 năm

(ĐTCK) Theo đó, Chỉ số tin cậy thương mại - Trade Confidence Index-TCI nửa đầu năm 2014 đạt đến mức 120 điểm là điểm cao nhất trong vòng ba năm rưỡi qua. Với vị  thế địa lý thuận lợi, và các hiệp định thương mại đã và sắp ký kết, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển thương mại chủ yếu với các thị trường mới nổi khác trong khu vực.
HSBC: Chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam cao nhất trong 3,5 năm

Ngân hàng HSBC tại Việt Nam chính thức công bố báo cáo định kỳ về Triển vọng kết nối giao thương của Việt Nam - HSBC Trade Connections Report. Theo báo cáo lần này, ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế do chi phí nhân công thấp tạo tính cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á.

Thị trường xuất khẩu dệt may trọng yếu của Việt Nam đang từng bước chuyển sang hướng Đông.  Xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc chiếm 6% trong tổng sản lượng của ngành trong năm 2013, các nước khác trong khu vực, không tính Nhật, chiếm 12% trong tổng sản lượng.

“Chúng tôi cho rằng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 phản ánh nhu cầu tăng cao từ thị trường trung cấp”, Báo cáo của HSBC cho biết.

Lĩnh vực xuất khẩu các thiết bị thông tin viễn thông là ngành xuất khẩu lớn thứ nhì của Việt Nam và ngành này cũng đang trên đà phát triển.

HSBC tin rằng tăng trưởng xuất khẩu của hai ngành này sẽ nân tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam lên hơn mức 11% cho giai đoạn 2014-2020.

Đối với triển vọng ngắn hạn, gần một nửa DN tham gia khảo sát cho rằng các hoạt động thương mại sẽ sôi nổi hơn trong sáu tháng tới, một phần ba trong số đó cho biết lý do là do lực cầu cao hơn từ các thị trường chính.  Xuất siêu từ năm 2012 giữ tiền Đồng ổn định nhưng nhu cầu nhập khẩu cao sẽ khiến mức xuất siêu giảm trong những năm tới.  22% doanh nghiệp được hỏi vẫn lo ngại về các biến động tỉ giá.

Còn triển vọng trung dài hạn, HSBC tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới.  Để hỗ trợ đà tăng trưởng này, giải ngân cho đầu tư sẽ tiếp tục tăng đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. 

Nhập khẩu máy móc công nghiệp là ngành nhập khẩu lớn nhất Việt Nam và chúng tôi chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu máy móc công nghiệp cho đến 2030. Ngành này sẽ đóng góp gần 1/3 cho tăng trưởng nhập khẩu Việt Nam.

Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Malaysia sẽ là những thị trường nhập khẩu phát triển nhanh của Việt Nam  do lợi thế địa lý gần.

“Với nền công nghiệp đa dạng bên cạnh viêc mở rộng đầu tư, Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng của thị trường mới nổi Châu Á. Ngành sản xuất thiết bị CNTT&VT sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau dệt may, từ nay cho đến 2030. Tăng trưởng xuất khẩu thiết bị viễn thông sẽ tạo nhiều đất cho doanh nghiệp trong nước phát huy sản xuất để thay thế các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu hiện nay”, Báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục