Hottrend: Điểm mặt những cổ phiếu nóng tuần qua (5-9/10/2020) - Cổ phiếu trụ nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 25 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE tuần qua đa số có vốn hóa nhỏ, nhưng nổi bật nhất lại là 2 mã vốn hóa lớn là MSN và GVR.
Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu về mức đóng góp cho chỉ số chứng khoán trong tuần qua Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu về mức đóng góp cho chỉ số chứng khoán trong tuần qua

Cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dẫn đầu về mức đóng góp cho chỉ số chung trong cả 5 phiên giao dịch tuần qua, đặc biệt là MSN khi giá tăng 25,9% so với mức 11,8% của GVR.

Giá cổ phiếu MSN tăng từ 54.100 đồng/cổ phiếu lên 68.100 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ đầu năm; giá cổ phiếu GVT tăng từ 12.250 đồng/cổ phiếu lên 13.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong 1 năm qua.

Giá tăng giúp giá trị vốn hóa của MSN tăng thêm 16.466 tỷ đồng, đạt gần 80.000 tỷ đồng, còn vốn hóa của GVR tăng thêm 5.800 tỷ đồng, đạt 54.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu MSN tăng giá trong cả 5 phiên và thu hút dòng vốn đầu tư lớn khi giá trị giao dịch tăng hơn 5 lần so với tuần trước, luôn nằm trong Top 5 về giá trị giao dịch, trung bình đạt trên 300 tỷ đồng/phiên.

Hầu hết chứng quyền có bảo đảm dựa trên cổ phiếu MSN đều tăng mạnh, từ 100 - 300%, riêng mã CMSN2005 tăng gần 600%.

Giá cổ phiếu MSN tăng là diễn biến không nhiều bất ngờ khi 2 tháng trước đó đi ngang trong bối cảnh thị trường chung tăng điểm, nhưng giá tăng vọt là diễn biến bất ngờ khi đặt trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2020 được một số công ty chứng khoán dự báo thấp xa so với năm 2019 do dự kiến sẽ phải hợp nhất khoản lỗ lớn từ Vincommerce (VCM).

Năm 2020, MSN đặt kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng (năm 2019, MSN đạt doanh thu 37.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.557,4 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu là 4.766 đồng). 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 35.404 tỷ đồng doanh thu, 117,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngày 24/8, Công ty Chứng khoán Phú Hưng đưa ra báo cáo dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của MSN là 79.048 tỷ đồng và 1.026 tỷ đồng.

Với GVR, động lực tăng giá được cho là đến từ thông tin Tập đoàn và các công ty thành viên sẽ thoái hết vốn tại Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Hiện GVR đang nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu VRG, tương đương tỷ lệ sở hữu 15,46%; cộng với tỷ lệ sở hữu của các công ty thành viên khác, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm GVR là 59,41%, tương đương gần 15,4 triệu cổ phiếu.

GVR và các đơn vị thành viên dự kiến chào bán toàn bộ số cổ phiếu VRG đang sở hữu trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020, giá khởi điểm chào bán là mức giá cao hơn giữa hai mức giá sau: mức giá theo chứng thư thẩm định giá và giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp.

Hiện cổ phiếu VRG đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, tuần qua tăng giá 22,3% sau khi có thông tin thoái vốn nêu trên, đạt 22.800 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến thoái vốn, trước đó, ngày 28/8, VGR công bố Tập đoàn không thành công trong việc thoái 956.970 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Xây dựng và Tư vấn đầu tư (CIC).

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương trong 4 tuần gần nhất có diễn biến tăng giảm đan xen (tính theo tuần), tuần vừa qua bật tăng 26,3%, đạt 8.350 đồng/cổ phiếu, với hàng triệu đơn vị được chuyển nhượng mỗi phiên.

Được biết, Công ty quyết định sẽ chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 120 triệu cổ phiếu OCH tại công ty con là Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ (OGC sở hữu 59,85%) để tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đáng lưu ý, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị OGC đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu trong số 15 triệu cổ phiếu OGC đang sở hữu từ ngày 14/9 đến 13/10.

Cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành tăng giá 17,6%, đạt 6.420 đồng/cổ phiếu, sau khi 2 tuần trước đó lần lượt tăng 8,6% và 5%. Thanh khoản duy trì ở mức cao khi giá trị giao dịch mỗi phiên đạt hàng chục tỷ đồng. Nhà đầu tư đang kỳ vọng kế hoạch tái cơ cấu công ty của TTF cũng như hoạt động xuất khẩu gỗ sang Mỹ có tiến triển, dù đơn vị kiểm toán khi soát xét báo cáo tài chính bán niên 2020 lưu ý, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm Công ty.

Cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy tuần qua có thanh khoản tăng vọt, nhất là phiên cuối tuần, với giá trị giao dịch gần 21 tỷ đồng khi giá có 6 phiên tăng liên tiếp, riêng 5 phiên tuần qua tăng 14%, đạt 22.450 đồng/cổ phiếu.

Thông tin hỗ trợ của cổ phiếu NBB là ngày 7/10, Công ty công bố sẽ mua lại hơn 15 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 16/10 đến 13/11/2020, giá mua vào theo giá thị trường nhưng không quá 25.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, từ ngày 23/9 đến 5/10, ông Mai Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc NBB đã bán ra 112.500 cổ phiếu như đăng ký.

Một cổ phiếu vốn hóa trung bình khác tiếp tục thu hút nhà đầu tư là VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tuần qua tăng giá 15%, đạt 8.180 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong 1 năm rưỡi, với giá trị giao dịch mỗi phiên hàng chục tỷ đồng. Mức tăng giá của VND là cao nhất trong nhóm chứng khoán (tuần trước đó, VND có mức tăng thấp hơn BSI, VCI, HCM, SSI). Nhóm chứng khoán vẫn được nhà đầu tư quan tâm với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III sẽ khả quan nhờ thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì ở mức cao và chỉ số có diễn biến tăng.

Cũng trong nhóm vốn hóa vừa, cổ phiếu DAT của Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản có mức tăng giá mạnh nhất sàn HOSE, tăng 29,1%, đạt 36.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này liên tiếp tăng trần sau khi tuần trước đó liên tiếp giảm sàn. Thanh khoản ở mức thấp dù giá tăng hay giảm.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mã DTT của Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành tăng 26,4%, nhưng lâu nay gần như mất thanh khoản. Nhiều mã nhỏ khác có chung tình trạng giá tăng nhưng thanh khoản nhỏ giọt như TCO của Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Duyên Hải, EMC của Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức, TN1 của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ TNS Holdings, BTT của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bến Thành, SVI của Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa…

Tuy nhiên, một số mã tăng giá đi kèm với thanh khoản tăng hoặc duy trì thanh khoản, với giá trị giao dịch hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng mỗi phiên như PET của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí, TCL của Công ty cổ phần Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng, IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I.

25 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần qua trên HOSE

Mã chứng khoán

Tỷ lệ tăng giá

Thị giá (đồng/CP)

DAT

29,1%

36.800

DTT

26,4%

11.300

OGC

26,3%

8.350

MSN

25,9%

68.100

TCO

25,4%

11.400

VCF

20,5%

255.300

PTL

20,2%

7.690

TTF

17,6%

6.420

ITA

17,5%

5.300

VDS

15,0%

8.180

EMC

14,2%

18.850

NBB

14,0%

22.450

TN1

12,8%

61.500

TRA

12,7%

64.800

SGR

12,6%

27.700

GIL

12,0%

28.900

VND

11,9%

15.950

PET

11,9%

10.800

GVR

11,8%

13.700

TCL

11,3%

32.500

LGC

10,9%

64.900

HAX

10,6%

15.600

SVI

10,2%

80.000

IDI

10,2%

5.640

BTT

10,0%

38.500

Diễn biến VN-Index và giá trị giao dịch trên HOSE

Ngày

VN-Index (điểm)

Tăng/giảm (%)

Giá trị giao dịch (tỷ đồng)

28/9

912,50

+0,47

7.250,99

29/9

903,98

-0,93

8.527,35

30/9

905,21

+0,14

6.358,63

1/10

914,09

+0,98

6.761,68

2/10

909,91

-0,46

8.592,17

5/10

914,68

+0,52

7.302,21

6/10

915,67

+0,11

8.205,02

7/10

919,72

+0,44

8.784,48

8/10

918,84

-0,10

7.946,26

9/10

924,00

+0,56

6.644,66

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ