HOSE thúc DN công bố thông tin đúng hạn

(ĐTCK) Tình trạng vi phạm quy định về công bố thông tin (CBTT) vẫn còn phổ biến, nên cuối tuần qua, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã tổ chức buổi tập huấn về Quy chế niêm yết và CBTT cho hơn 300 nhân sự đại diện cho 191 công ty niêm yết trên HOSE.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE, trong quá trình giám sát CBTT của các DN niêm yết, Sở nhận thấy, số lượng DN vi phạm quy định về CBTT giảm, nhưng nhiều công ty có những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình thực hiện nên HOSE đã tổ chức buổi tập huấn nêu trên tại TP. HCM. Qua đó, giúp các công ty niêm yết hiểu rõ hơn quy định về niêm yết và CBTT trên TTCK, từ đó xây dựng và duy trì các thông lệ tốt trong hoạt động CBTT, đảm bảo quyền lợi cho NĐT.

Bà Đào cho biết, số lượng báo cáo tài chính quý II/2014 nộp chậm giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo tài chính của các DN không có công ty con chỉ có 10 DN bị nhắc nhở và ngay sau đó, những DN này đã thực hiện đúng quy định về CBTT.

Lỗi phổ biến trong CBTT vẫn là chậm nộp các báo cáo định kỳ, nhất là báo cáo tài chính và báo cáo quản trị công ty. Nguyên nhân đến từ hệ thống tài chính kế toán DN chưa chuẩn hóa nên khi tổng hợp số liệu thì mất nhiều thời gian để chỉnh lý, một số DN có quy mô lớn nên thực hiện báo cáo lâu hơn. Ngoài ra, một số công ty trong quá trình triển khai kế hoạch hợp nhất, sáp nhập công ty con hay mua công ty liên kết, hoặc gặp khó khăn trong quá trình hoạt động cũng khiến việc nộp báo cáo định kỳ chậm trễ. Một vài trường hợp khác, DN giữ lợi thế kinh doanh nên cố tình CBTT chậm và chấp nhận chịu phạt.

Theo quy định, khi DN chậm CBTT, bản thân công ty niêm yết phải quy trách nhiệm cá nhân gây ra vi phạm và cá nhân đó phải nộp phạt trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Các công ty bị phạt có trách nhiệm công bố rõ ràng chức danh cá nhân gây ra và không được sử dụng tiền của DN để nộp phạt.

Được sử dụng tiền của DN để nộp phạt.

Trong phần thảo luận, hàng loạt câu hỏi, thắc mắc từ phía DN gửi tới Ban chủ tọa với nhiều nội dung khác nhau như: các công ty thành lập chi nhánh có phải CBTT khi có nghị quyết của HĐQT về thành lập, hay chờ chấp thuận thành lập của cơ quan nhà nước; Thông tư 52 quy định, giao dịch cổ phiếu làm tỷ lệ sở hữu thay đổi vượt ngưỡng 1% phải báo cáo trong thời gian 7 ngày từ ngày thay đổi, nhưng nếu mua vượt 1% trong khoảng 7 ngày đó có được gộp lại để CBTT hay không?

Quy định CBTT về nội dung quản lý thâu tóm, mua bán, sáp nhập được các công ty đặc biệt quan tâm. Cụ thể, hủy cổ phiếu có được xem là hủy niêm yết hay không? Có phải thực hiện việc ra quyết định của ĐHCĐ về việc hủy niêm yết với công ty bị sáp nhập do các cổ đông nhỏ biểu quyết hay không?

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, quy định cụ thể về CBTT đối với hoạt động M&A hiện chưa có, mới chỉ dừng lại ở mức hạn chế thấp nhất hoạt động thâu tóm. Trường hợp hủy niêm yết do sáp nhập được xem là hủy niêm yết bắt buộc, nên Sở GDCK sẽ thực hiện việc công bố hủy niêm yết bắt buộc này. Tuy nhiên, để đi đến hợp nhất, sáp nhập, các nội dung chi tiết như tỷ lệ hoán đổi, thời điểm hoán đổi cổ phần, giải quyết quyền lợi cổ đông thì phải được thông qua ĐHCĐ.

Liên quan đến quy định phải CBTT đồng thời tới Sở GDCK và UBCK, làm sao để giảm thiểu thời gian CBTT cho DN, bà Đào cho hay, HOSE đã thực hiện CBTT qua hệ thống điện tử của Sở từ nhiều năm qua, giúp DN có thể nhanh chóng thực hiện CBTT, nhưng nhược điểm là chưa áp dụng chữ ký số trên hệ thống. Dự kiến, sang năm 2015, Sở sẽ thực hiện dự án số hóa các hoạt động DN, trong đó có CBTT.

Khi đó, DN cần thực hiện chính xác nội dung CBTT, vì khi đã đưa lên hệ thống, không có cách nào sửa, mà phải gửi bản đính chính, hoạt động giám sát lúc này sẽ chuyển sang hậu kiểm. Ngoài ra, một số quy định được HOSE linh hoạt xử lý để tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN như trường hợp DN mua lại cổ phiệu quỹ từ CBCNV nghỉ việc và bán lại cho CBCNV khác thì không phải CBTT từng giao dịch, mà định kỳ hàng tháng gửi báo cáo về số lượng cổ phiếu lưu hàng và cổ phiếu quỹ hiện có cho Sở.

Nhiều DN cho rằng, buổi hội thảo rất có ích, nhưng thời gian dành cho phần thảo luận nên nhiều hơn. Do thời gian có hạn nên không ít câu hỏi chưa được giải đáp. Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi, gồm cả phần câu hỏi chưa trả lời sẽ được HOSE tổng hợp và đăng lên website của Sở sau buổi tập huấn tương tự sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 22/8 tới.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục