HOSE sắp đón “doanh nghiệp một dự án”

(ĐTCK) Từ năm 2013 đến nay, Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na (mã chứng khoán HNA) chỉ quản lý, vận hành một nhà máy thủy điện, với kết quả kinh doanh hàng năm biến động mạnh.
Kết quả kinh doanh của Thuỷ điện Hủa Na biến động mạnh theo điều kiện thuỷ văn hàng năm Kết quả kinh doanh của Thuỷ điện Hủa Na biến động mạnh theo điều kiện thuỷ văn hàng năm

Cổ phiếu “trôi nổi” ít nên thanh khoản thấp

Ngày 12/1/2024, Thuỷ điện Hủa Na sẽ niêm yết 235,2 triệu cổ phiếu HNA trên HOSE, với giá tham chiếu 18.350 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ mức giá phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM ngày 27/12/2023, cũng là mức giá phổ biến trong vòng 1 tháng trước khi chuyển sàn.

Thuỷ điện Hủa Na được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng, sau đó có 4 đợt phát hành thêm cổ phiếu, lần lượt tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng năm 2009, 2.010 tỷ đồng năm 2012, gần 2.256,6 tỷ đồng năm 2016 và hơn 2.352,3 tỷ đồng năm 2019.

Tính đến ngày 30/9/2023, cơ cấu cổ đông của Thuỷ điện Hủa Na bao gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) sở hữu 80,72%, Ngân hàng Bắc Á sở hữu 4,91%, Ngân hàng Quân đội sở hữu 4,46%, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) sở hữu 3,71%, còn lại 6,2% vốn điều lệ do các cổ đông khác nắm giữ.

Nếu không tính nhóm cổ đông tổ chức và cổ đông lớn, Thuỷ điện Hủa Na chỉ có gần 14,6 triệu cổ phiếu “trôi nổi” bên ngoài so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là hơn 235,2 triệu đơn vị. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu HNA có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất chưa đến 4.000 cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh biến động mạnh

Ngành nghề kinh doanh chính của Thủy điện Hủa Na là sản xuất điện. Năm 2008, Công ty khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na ở thượng nguồn sông Chu tại Nghệ An, công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, đến quý I/2023 đưa vào vận hành thương mại. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp chỉ quản lý, vận hành nhà máy này, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kWh.

Do phụ thuộc vào một dự án nên kết quả kinh doanh của Thủy điện Hủa Na biến động mạnh theo điều kiện thuỷ văn. Trong đó, năm 2022, khi điều kiện thuỷ văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ cao, Công ty ghi nhận doanh thu 1.175,6 tỷ đồng, tăng 70,1% và lợi nhuận sau thuế 583,5 tỷ đồng, tăng 344,1% so với năm 2021; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 38,3% lên 60,2%.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, khi điều kiện thuỷ văn không còn thuận lợi, hiện tượng El Nino quay trở lại, kết quả kinh doanh của Thủy điện Hủa Na lập tức sụt giảm: doanh thu 521,3 tỷ đồng, giảm 38,1%; lợi nhuận sau thuế 152,4 tỷ đồng, giảm 62,9% so với cùng kỳ năm 2022; biên lợi nhuận gộp giảm từ 59,7% xuống 37,9%.

Trước thềm cổ phiếu HNA chào sàn HOSE, Thủy điện Hủa Na chia sẻ, năm 2023, Công ty ước đạt tổng sản lượng điện thương mại 557.860 mWh, doanh thu 755 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 217 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2023, Thủy điện Hủa Na có tổng tài sản 3.574,7 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 3.260,3 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 205 tỷ đồng, nợ dài hạn 109,4 tỷ đồng. Dư nợ của Công ty những năm gần đây liên tục giảm nên chi phí lãi vay giảm theo, từ 102,6 tỷ đồng năm 2021 xuống 69,1 tỷ đồng năm 2022 và 28,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.

Giai đoạn 2023 - 2028, Thủy điện Hủa Na có kế hoạch tập trung vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na; nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư 1 - 2 dự án thủy điện vừa và nhỏ, dự án năng lượng tái tạo. Hiện tại, Công ty đang quan tâm đến Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, công suất 20 MW tại Nghệ An và dự án Thủy điện Sơn Trà 1D, công suất 12 MW ở Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, Công ty nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ