HOSE: khát vọng ghi danh TOP 5 sàn chứng khoán ASEAN

(ĐTCK) 16 năm mở cửa TTCK Việt Nam cũng đồng thời là dấu mốc 16 năm hoạt động của Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Trên nền một Sở GDCK vận hành suôn sẻ, hiện đại, thanh khoản và vốn hóa đang ngày càng được cải thiện. 
 
Trong lần đến thăm Việt Nam, nguyên Thủ tướng Anh David Cameron đã đến thăm TTCK, gõ cồng tại HOSE Trong lần đến thăm Việt Nam, nguyên Thủ tướng Anh David Cameron đã đến thăm TTCK, gõ cồng tại HOSE

Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh cho biết, HOSE hướng đến khát vọng ghi danh trong TOP 5 sàn chứng khoán ASEAN, với quy mô giá trị vốn hóa 60% GDP, thanh khoản 250 triệu USD/ngày vào năm 2020.

16 năm tạo dựng niềm tin

Ngày 20/7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM - tiền thân của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chính thức đi vào hoạt động. 16 năm qua, với nỗ lực thực hiện sứ mệnh tổ chức điều hành thị trường an toàn, công khai, công bằng và minh bạch, HOSE đã đạt được bước tiến dài cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khởi đầu với 2 mã cổ phiếu, sau 16 năm hoạt động, các hàng hóa cơ bản của thị trường tại HOSE đã khá hoàn thiện với 309 cổ phiếu, 38 trái phiếu (gồm trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), 1 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang được niêm yết. Đã có trên 253 ngàn tỷ đồng được huy động trên HOSE thông qua các cuộc bán đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các đợt phát hành thêm để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các công ty niêm yết.

16 năm, các công ty niêm yết trên HOSE đã có 1.218 đợt phát hành với 26,78 tỷ cổ phiếu được phát hành thêm, đạt giá trị hơn 267 ngàn tỷ đồng. Tính bình quân, các công ty niêm yết trên HOSE đã tăng gấp đôi vốn điều lệ sau khi niêm yết. Kể từ năm 2005 đến nay, HOSE cũng đã thực hiện 432 cuộc đấu giá, thu về hơn 73 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Trần Đắc Sinh đánh giá, chất lượng thị trường cổ phiếu niêm yết tại HOSE tiếp tục được nâng cao, thể hiện ở chất lượng công bố thông tin được cải thiện rõ rệt, chất lượng công ty niêm yết tốt hơn, hoạt động quản trị công ty và minh bạch hóa theo thông lệ tốt đã bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp cũng như của xã hội.

Đáng chú ý nhất là việc triển khai khớp lệnh liên tục vào năm 2007, giao dịch trực tuyến vào năm 2009, kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường vào năm 2012 đã cải thiện đáng kể thanh khoản trên thị trường. Bên cạnh đó, HOSE đã tập trung các giải pháp phát triển thị trường cổ phiếu với việc thực hiện phân ngành các công ty niêm yết vào năm 2007 theo chuẩn VSIC và tiếp tục nâng chuẩn công bố chỉ số ngành theo chuẩn GICS của MSCI từ đầu năm 2016; tiên phong tính toán chỉ số bằng phương pháp dựa trên tỷ trọng cổ phiếu tự do chuyển nhượng vào năm 2012 (VN30 Index) và năm 2014 (HOSE Index).

Sản phẩm chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF cũng được niêm yết và giao dịch đầu tiên trên Sở GDCK TP. HCM từ tháng 10/2014, cung cấp thêm công cụ và tiện ích cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia giao dịch. Hiện nay, HOSE đang xây dựng và hoàn thiện các điều kiện để triển khai đưa vào hoạt động sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành.

Năm 2016, HOSE được chọn là cơ quan điều phối dự án “Xây dựng năng lực về tài chính khí hậu cho Việt Nam” với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm trong việc nghiên cứu, đào tạo và xây dựng mô hình thị trường cho hoạt động giao dịch quyền phát thải khí Carbon cho khu vực Đông Nam Á với giá trị ước tính lên đến 2.000 tỷ USD vào năm 2020.

Đối với một Sở GDCK, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin chính là cốt lõi trong việc vận hành và phát triển TTCK. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại với 3 cấu phần chính đã được HOSE chú trọng triển khai trong những năm vừa qua bao gồm: Tòa nhà văn phòng làm việc - Exchange Tower, Trung tâm dữ liệu dự phòng và hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ. Trong đó, Tòa nhà văn phòng Exchange Tower và Trung tâm dữ liệu dự phòng đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, HOSE dành nhiều nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập, đạt được nhiều bước tiến trong công tác quan hệ công chúng và truyền thông cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. HOSE đã là thành viên của Hiệp hội các sở GDCK châu Á và châu Đại Dương (AOSEF) từ năm 2008; chính thức làm thành viên của Hiệp hội các sở GDCK Thế giới (WFE) từ cuối năm 2013; và trở thành đối tác của Sáng kiến các sở GDCK bền vững (SSE) vào năm 2015.

HOSE: khát vọng ghi danh TOP 5 sàn chứng khoán ASEAN ảnh 1

Hướng đến mục tiêp TOP 5 sàn chứng khoán ASEAN

Chủ tịch HĐQT Trần Đắc Sinh chia sẻ, HOSE luôn theo đuổi giá trị cốt lõi của mình xuyên suốt trong chặng đường phát triển, thực hiện tốt sứ mệnh tổ chức thị trường công bằng, công khai, minh bạch, đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn chủ đạo và hiệu quả cho nền kinh tế. Trong những năm tới, HOSE tập trung vào việc củng cố và phát triển bền vững TTCK cơ sở, gia tăng quy mô, độ sâu, tính thanh khoản thị trường, rút ngắn khoảng cách so với các sở GDCK trong khu vực, phấn đấu nằm trong Top ASEAN 5 với quy mô giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 60% GDP và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt mức 250 triệu USD/ngày vào năm 2020, thông qua các kế hoạch đang triển khai nhằm đa dạng hoá sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường và dự kiến ra mắt chỉ số phát triển bền vững cho các công ty niêm yết trong năm 2017.

“Đây là một mục tiêu đầy khát vọng. Tuy nhiên, với những nền tảng mà HOSE đã đạt được, cùng cơ hội đang mở ra cho TTCK trong thời gian tới, việc hiện thực hóa các mục tiêu nói trên không phải là điều nằm ngoài tầm với”, ông Sinh nói.

Chia sẻ về tương lai TTCK, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn từng đánh giá, từ câu chuyện của SSI (công ty chứng khoán tư nhân vốn 6 tỷ đồng năm 2000, đến nay trở thành CTCK lớn nhất TTCK với vốn hóa trên 11.000 tỷ đồng - PV), Việt Nam hoàn toàn có thể lật ngược thứ bậc trên thị trường vốn quốc tế. Vấn đề là phải làm sao định vị đúng vai trò và có chính sách đúng đắn để thị trường thực hiện được vai trò của nó.

Điểm hạn chế lớn nhất, theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là thị trường tài chính chưa phát triển độc lập, dòng vốn vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng. “Một thị trường tài chính dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng đã là sự yếu kém, lại chủ yếu dựa vào vốn ngắn hạn nữa, thì càng yếu kém, rủi ro hơn”, Ủy ban Giám sát tài chính nhận xét và cho rằng, nếu không khắc phục được bất cập này thì không thể giảm được rủi ro cho nền kinh tế.

Để đánh giá hạ tầng tài chính, thế giới thường xem xét trên 4 tiêu chí gồm: chính sách bảo vệ nhà đầu tư; chính sách xử lý phá sản; khả năng tiếp cận vốn của DN và năng lực thực thi pháp luật. Một hạ tầng tài chính lành mạnh phải được xây dựng trên 4 tiêu chí trên. Nhìn trên mặt bằng này, thị trường tài chính Việt Nam còn rất nhiều việc phải hoàn thiện. Quan điểm của Ủy ban Giám sát là cần tập trung cải cách 4 yếu tố đánh giá hạ tầng tài chính. Đó chính là một phần của cải cách thể chế.                

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục