Tuy nhiên, hướng dẫn của HOSE chưa đề cập trường hợp tính chỉ số EPS khi DN thực hiện chào bán riêng lẻ (cho cán bộ, công nhân viên hoặc cho đối tác chiến lược) cũng như chưa có khuyến nghị DN đưa ra chỉ số EPS điều chỉnh khi phát hành trái phiếu chuyển đổi trong báo cáo tài chính, bởi đây cũng là hai hoạt động làm thay đổi khối lượng cổ phiếu và vốn chủ sở hữu.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc HOSE đưa ra cách tính chỉ số EPS như trên sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được khả năng sinh lời của DN trong quá khứ, tuy nhiên, khi bỏ tiền mua cổ phiếu của một DN thì nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến tương lai của doanh nghiệp. Mỗi DN, với đặc thù về ngành nghề kinh doanh, vòng đời sản phẩm... khác nhau có thể có tốc độ tăng trưởng EPS khác nhau và đôi khi là trái chiều. Với quan điểm này, các chuyên gia khuyến nghị DN nên đưa ra chỉ số EPS dự tính (cho thời điểm cuối năm) và chỉ số EPS tính trên mức cổ phiếu thực có (thay vì mức cổ phiếu bình quân) để giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về quá khứ, thực tại và tương lai của DN.