Báo cáo được gửi tới lãnh đạo TP.HCM trước thềm cuộc gặp giữa chính quyền và các doanh nghiệp bất động sản dự kiến diễn ra cuối tháng 2 này nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Theo HoREA, bản đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, bền vững. Tuy nhiên, theo HoREA, trong báo cáo có một số nội dung kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của Trung ương.
Thị trường đình trệ
Động thái của HoREA diễn ra trong lúc thị trường bất động sản cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Những vướng mắc về thủ tục, ách tắc không thể triển khai dự án khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thậm chí phá sản.
Năm 2019 cũng là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nhiều dự án nhà ở đình trệ và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
HoREA cho biết, tại TP.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3/2019, Thành phố và Trung ương quyết định cho 124 dự án được tái vận hành, nhưng trên thực tế, hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Khó khăn khi phát triển dự án tại TP.HCM đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc bỏ ra tỉnh ngoài. Chẳng hạn, Novaland gần như không triển khai dự án nào tại TP.HCM trong năm 2019, thay vào đó, đẩy mạnh sang các thị trường “tỉnh lẻ” như Bình Thuận với Dự án NovaWorld Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu với NovaWorld Bình Châu. Đặc biệt, tại Đồng Nai, Novaland đang triển khai Dự án AQua City Biên Hòa với quy mô 1.800 ha.
Cũng trong xu thế đó, Nam Long vừa khởi động Dự án Waterpoint (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có quy mô 255 ha; Công ty Seaholdings triển khai dự án The Pearl Riverside (Long An) với quy mô gồm 250 nhà phố liền kề.
Để thị trường bất động sản phát triển, không chỉ cần hạ tầng phát triển, mà còn phụ thuộc vào chính sách. Ảnh: Lê Toàn
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, Công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Trong đó, bà tỏ ra bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2, khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, đến nay, các sở, ngành TP.HCM vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND Thành phố chấp thuận đầu tư cho doanh nghiệp với lý do họ thắc mắc đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không.
“Những khó khăn về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động. Cũng vì lý do này, mà không chỉ doanh nghiệp tôi bị khó khăn”, bà Loan nhấn mạnh.
Những đề xuất của HoREA
Trước những khó khăn đó, HoREA nêu ra hơn 10 đề xuất với UBND TP.HCM và cơ quan Trung ương, bao gồm: Quy trình hành chính đối với dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xen kẹt một số thửa đất do Nhà nước quản lý; các phương án xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở; giải quyết nhanh thủ tục cấp “sổ đỏ” (lần đầu) căn hộ, nhà, nền nhà cho chủ đầu tư dự án nhà ở; đề xuất quy trình hành chính đối với dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng; quy trình đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có quỹ đất sạch thuộc Nhà nước quản lý; xử lý vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; cơ chế chính sách để thực hiện kế hoạch xây dựng lại chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đơn vị này cũng vừa có Văn bản số 09/2020/CV-HoREA gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản bằng các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho doanh nghiệp khôi phục kinh doanh trước tác động của dịch nCoV.
Còn theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, hiện một số chính sách từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi, dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra kiểm toán kéo dài.
Những vướng mắc này đã được lãnh đạo TP.HCM tìm cách tháo gỡ, nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn. Trong khi đó, việc các dự án ngưng trệ đã dẫn tới thiếu nguồn cung, đẩy giá nhà lên cao, trong khi doanh nghiệp có đất mà không được làm dự án. Điều này đang khiến cho thị trường đứng trước vô vàn khó khăn, cần được lãnh đạo TP.HCM cũng như Trung ương tháo gỡ.
Ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, năm 2020, Thành phố phấn đấu phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn Thành phố lên 190,19 triệu m2, với diện tích nhà ở bình quân là 20,6 m2/người. Thành phố sẽ khởi công và thi công xây dựng 10 chung cư, 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com