Việc phát hiện sớm, kịp thời sẽ nhanh chóng ngăn chặn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song không phải vụ việc nào cũng được ngăn chặn kịp thời. Trong vụ việc quan xã “bắt tay” doanh nghiệp xảy ra tại thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội thì gần 1.000m2 đất đã bị chuyển đổi, chuyển nhượng trái pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2005, Nguyễn Đăng Trọng – Trưởng thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương ký hợp đồng cho Lê Công Lộc (SN 1978, nguyên giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lộc Phú Gia) thuê thầu diện tích 6.935 m2 thuộc quỹ đất 2 tại khu Đầm giếng, xóm Nấp do UBND xã Tiên Dương quản lý. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng đất vào mục đích nuôi thả cá, trồng cây ăn quả. Trong thời gian thuê thầu, Lê Công Lộc đã tự ý san lấp ao diện tích 887m2 đất để xây dựng nhà cấp 4 với diện tích 50m2.
3 năm sau (tức năm 2008), doanh nghiệp cấu kết với cán bộ địa chính UBND xã Tiên Dương là Nguyễn Thành Vỹ (SN 1972) lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 887m2. Hai bên thống nhất, Nguyễn Thành Vỹ trực tiếp lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ với lý do nguồn gốc đất bố mẹ tặng cho rồi đưa cho Lộc ký tên. 4 cán bộ thôn, Chủ tịch xã, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cũng “nhúng chàm”, giúp sức xác nhận, hợp thức hóa hồ sơ trên.
Hàng loạt sai phạm đã được đề cập đến như cán bộ không tổ chức họp hội đồng xét duyệt, cố ý xác nhận sai nguồn gốc đất để hợp thức hóa hồ sơ xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường không kiểm tra, xác minh, thẩm định hiện trạng sử dụng đất, không yêu cầu bổ sung tài liệu còn thiếu, thậm chí tự cập nhật để hoàn thiện…
Đến cuối năm 2008, Lê Công Lộc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất trên. Mặc dù bản án không nhắc đến số tiền các bị cáo hưởng lợi từ hành vi giúp sức nhưng cơ quan tố tụng cũng xác định, các bị cáo thực hiện hành vi trái công vụ vì động cơ cá nhân. Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử phạt các bị cáo từ 20 tháng tù – 2 năm tù.
So với hậu quả thì mức phạt trên chỉ như “muối bỏ bể”. Theo cơ quan tố tụng, hành vi trên vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng, hưởng lợi trái phép 887m2. Giá trị bất động sản thời điểm cấp sổ đỏ tháng 11/2008 là 851,5 triệu đồng.
Sau khi cầm sổ đỏ, tháng 6/2010, Lê Công Lộc chuyển nhượng bất động sản trên cho Nguyễn Quốc Đạt (giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Trang) và thu lời trái phép số tiền lớn. Công ty Hồng Trang đã tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vào ngân hàng. Giá trị bất động sản được định giá là 7,6 tỷ đồng (gấp hơn 7 lần giá trị thời điểm được cấp sổ đỏ).
Cuối năm 2016, ngân hàng có động thái yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ủy quyền để tiến hành phát mại tài sản thế chấp. Tuy nhiên, cơ quan điều tra có công văn nêu rõ, nguồn gốc đất trên là đất nông nghiệp thuê thầu khoán, việc cấp sổ đỏ là trái pháp luật và đề nghị ngân hàng có trách nhiệm quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.
Thực tế, khi vụ việc bị tố giác, năm 2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tính chuyện thu hồi đất sai phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại mục 5 Điều 87 Nghị định 43/2004/NĐ-CP ngày 15/5/2004, “nhà nước không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật… nếu người được cấp đã thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Do đó, cơ quan quản lý phải chờ bản án của tòa án để thu hồi đất sai phạm. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, việc cấp giấy chứng nhận là trái pháp luật và có đủ cơ sở để thu hồi. Kéo theo giao dịch chuyển nhượng, thế chấp bị vô hiệu, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.