Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA 2025, chiều 15/5/2025, đoàn Bộ Tài chính Việt Nam do ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Hải quan dẫn đầu đã làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) tại Washington D.C. Hai bên tập trung trao đổi về ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp và tăng cường hợp tác trong các chương trình trao đổi dữ liệu điện tử và sáng kiến an ninh container.
Về vấn đề chuyển tải bất hợp pháp, Hải quan Hoa Kỳ (CBP) có thẩm quyền ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp nhằm tránh thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá. Hoạt động này gây thiệt hại cho doanh nghiệp hai nước và làm mất môi trường cạnh tranh công bằng.
Hải quan Việt Nam cam kết kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hoặc giả xuất xứ để lẩn tránh thuế. Cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, thu thập thông tin và rà soát doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, đặc biệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để gia công, chế biến xuất khẩu sang Mỹ.
Hai bên phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ danh sách doanh nghiệp và mặt hàng rủi ro để kiểm soát hiệu quả. Trong đàm phán Hiệp định Thương mại Đối ứng, hai bên sẽ thống nhất quy tắc xuất xứ nhằm hạn chế chuyển tải bất hợp pháp. CBP tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho Hải quan Việt Nam trong việc phát hiện và xử lý gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích thương mại song phương.
CBP giới thiệu chương trình trao đổi dữ liệu điện tử với nước ngoài (FECDEP) nhằm hỗ trợ xác định và ngăn chặn kịp thời các lô hàng rủi ro cao qua trao đổi dữ liệu manifest thời gian thực. CBP mong muốn ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Việt Nam để triển khai chương trình này.
Hải quan Việt Nam đang tham vấn nội bộ về dự thảo MOU và sẽ phối hợp tổ chức các cuộc họp kỹ thuật trực tuyến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2025 để làm rõ nội dung và chuẩn bị ký kết sớm.
Về Sáng kiến An ninh container (CSI), Hoa Kỳ cho biết, Sáng kiến này nhằm kiểm tra các container có rủi ro cao tại cảng xuất trước khi đến Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh từ xa. CSI đã triển khai tại 36 quốc gia với ba mô hình: cán bộ CBP làm việc trực tiếp tại cảng, xử lý dữ liệu từ xa và đầu mối liên lạc tại các cảng để điều phối soi chiếu.
CBP mong muốn hợp tác với Hải quan Việt Nam để triển khai CSI tại hai cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện. Việt Nam sẽ nghiên cứu mô hình phù hợp để tiến hành hợp tác trong thời gian tới.