Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh đã được chỉnh sửa.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là nội dung cuối cùng được xem xét tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và được dành trọn một buổi chiều 8/9 (các dự án luật khác chỉ thảo luận trong nửa buổi).
Thảo luận tại kỳ họp thứ ba, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh của dự thảo luật còn chung chung, thiếu điều kiện triển khai.
Quy định tại dự thảo chưa thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về xã hội hóa, chưa thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước cũng như các chính sách ưu đãi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về xã hội hóa và cơ chế thực hiện; về liên doanh, liên kết, hợp tác công tư tại dự thảo luật, cần quy định mang tính nguyên tắc, căn cơ, có tính đột phá về xã hội hóa trong công tác y tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, ưu đãi tổ chức và cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
Tại dự thảo trình Quốc hội ở kỳ họp thứ ba, về xã hội hoá, chỉ quy định "Hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước".
Còn dự thảo trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã quy định: Việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Dự thảo cũng nêu, hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. bao gồm: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.
Theo dự thảo thì Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Cũng liên quan đến xã hội hoá công tác khám bệnh,chữa bệnh, tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu, Q. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm vừa qua, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đã được ngành y tế tích cực triển khai và đã đạt được một số kết quả.
Như số bệnh viện tư nhân tăng từ 40 bệnh viện năm 2004 lên 318 bệnh viện năm 2021. Tổng số phòng khám và cơ sở dịch vụ y tế tư nhân khoảng 38.000 phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế. Tỷ lệ giường bệnh của bệnh viện tư nhân chiếm 5,16% tổng số giường bệnh trên toàn quốc (21.902 giường bệnh/424.686 giường bệnh). Tỷ lệ giường bệnh tư nhân trên 1 vạn dân: 2,25 giường bệnh/1 vạn dân.
Bên cạnh một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại, cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Một số nhà đầu tư đã thành lập chuỗi bệnh viện như Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Hệ thống y tế Vinmec, đã xuất hiện mô hình cơ sở y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận (Hệ thống y tế Vinmec) đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh của tổng bệnh viện tư nhân hiện nay mới chỉ đạt 5% tổng số giường bệnh, chưa đạt được mục tiêu chiếm ít nhất 10% tổng số giường bệnh trên toàn quốc.
Giải trình cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết có ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định về trang thiết bị y tế vì đây là vấn đề vướng mắc lớn hiện nay.
Bộ trưởng hồi âm, hiện nay, việc quản lý trang thiết bị y tế được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và thuộc diện Nghị định không có căn cứ để ban hành. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện mới được 7 tháng nên chưa đủ bằng chứng cho việc xây dựng Luật. Do vậy, chỉ nên quy định về nguyên tắc trong dự thảo luật để Chính phủ có thêm cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn.