
Phó chủ tịch UBCK kiêm Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX), bà Vũ Thị Kim Liên cho biết, đây là lần đầu tiên lãnh đạo liên ngành tài chính - ngân hàng cùng tham gia đối thoại về thị trường trái phiếu. Sự kiện này khiến nhiều thành viên hy vọng, những kiến nghị, vướng mắc của các thành viên sẽ được lắng nghe và giải quyết đồng thời; sẽ không còn tình trạng trước các vướng mắc, đề xuất từ thị trường, cứ bộ này kiến nghị bộ kia và ngược lại.
Thị trường trái phiếu vốn là sân chơi của các nhà đầu tư lớn, nên đó không phải là điểm nóng quan tâm của đại đa số nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường này lại giữ một vai trò đặc biệt quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, phục vụ cho đầu tư phát triển. Năm 2011, thông qua hệ thống đấu thầu trái phiếu tại HNX, đã có gần 82.000 tỷ đồng vốn được huy động, với lãi suất thấp hơn nhiều mặt bằng lãi suất ngân hàng. Năm 2012, Chính phủ đặt kế hoạch huy động 159.000 tỷ đồng trái phiếu, đó là một mục tiêu thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để triển khai.
Hiện tại, khung pháp lý cho thị trường trái phiếu đã tương đối được định hình. Từ ngày 26/3/2012, Thông tư 17/2012/TT-BTC về phát hành TPCP sẽ có hiệu lực, theo đó sẽ có nhiều điểm mới được áp dụng: xác định hình thức phát hành chính là đấu thầu, kế hoạch phát hành sẽ được công bố hàng năm, lịch biểu phát hành được xây dựng theo hướng giảm tần suất phát hành, tăng tính dự báo... Điểm mới nhất là quy định về việc thành lập nhóm thành viên đấu thầu, định hướng là các tổ chức tạo lập thị trường, với các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Quyền và nghĩa vụ cụ thể là gì? Đó là một trong những câu hỏi được nhiều thành viên quan tâm nhất. Lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN khẳng định, nghĩa vụ sẽ đi đôi với quyền lợi và điều này sẽ được công khai để đảm bảo sự công bằng với các thành viên.
Trong chia sẻ của Kho bạc Nhà nước, đơn vị đã huy động được 70.447 tỷ đồng năm 2011 và có trách nhiệm huy động tiếp 100.000 tỷ đồng TPCP năm 2012, vai trò của nhà đầu tư đã được thấy rất rõ, khi chính họ đã giúp NSNN huy động được vốn trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, thanh khoản của không ít tổ chức gặp khó khăn. Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Standard Chartered… là những cái tên được nêu lên như một sự tri ân những nhà đầu tư - những thành viên đã đồng hành cùng thị trường trái phiếu, hỗ trợ công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển đất nước. Theo thống kê, các ngân hàng thương mại đang sở hữu trên 86% lượng TPCP; các công ty bảo hiểm nắm trên 12% thị trường này, phần còn lại (rất nhỏ) là của các đối tượng khác (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…).
Mục tiêu cốt lõi của thị trường TPCP là tạo kênh huy động vốn và giảm thiểu chi phí huy động vốn của Chính phủ. Làm thế nào để thị trường trái phiếu ngày càng mang tính thị trường hơn, thu hút đa dạng hơn đối tượng tham gia, chứ không quá phụ thuộc vào các ngân hàng? Đó là một câu hỏi khó. Dù mới hoạt động gần 3 năm và còn rất nhiều việc phải làm, nhưng nỗ lực cải thiện thị trường trái phiếu đang ngày càng rõ nét, không chỉ về các vấn đề kỹ thuật, mà còn là sự chuyển biến về chất, trên bình diện sự hợp sức giữa các ngành, để cùng xây dựng thị trường trái phiếu hiệu quả hơn tại Việt Nam.