Việc hợp nhất các Sở GDCK nhằm mục tiêu thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch. Qua đó, tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Việc thành lập các SGDCK tại TP.HCM và Hà Nội trong thời gian qua (trước đó là các trung tâm giao dịch chứng khoán), bước đầu đã đáp ứng yêu cầu về việc tổ chức các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc khu vực DNNN và huy động vốn của các doanh nghiệp cổ phần, phù hợp với giai đoạn ban đầu xây dựng thị trường vốn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay, việc song song tồn tại 2 thị trường giao dịch chứng khoán với mô hình tổ chức khá giống nhau là không cần thiết, trong một chừng mực nào đó có thể dẫn đến lãng phí về mặt xã hội cũng như của các thành viên thị trường và dẫn đến chia cắt thị trường.
Vì vậy, việc thành lập một Sở GDCK duy nhất để tăng quy mô vốn hóa thị trường, tạo sức cạnh tranh đối với các thị trường trong khu vực là cần thiết và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về hợp nhất, sáp nhập các SGDCK đang diễn ra hiện nay. Hiện tại, UBCK đang hoàn tất đề án để báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm 2015, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng quyết định về việc thành lập Sở GDCK Việt Nam.
Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM và phát triển các khu vực của thị trường mang tính chuyên sâu (thị trường cổ phiếu; thị trường trái phiếu chính phủ và TTCK phái sinh) sẽ góp phần giải quyết được những bất cập sau:
(i) Về lợi ích chung: Mô hình một Sở GDCK sẽ góp phần làm giảm chi phí xã hội (chi phí đầu tư tại các Sở GDCK và các công ty chứng khoán), phù hợp với xu thế quốc tế là sáp nhập, hợp nhất, tăng sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho công tác phát triển theo chiều sâu để khai thác tối đa hệ thống công nghệ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường. Hình ảnh Sở GDCK Việt Nam sau khi hợp nhất thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc ngành tài chính.
Mô hình tổ chức một Sở GDCK quốc gia tiệm cận với xu hướng nhất thể hóa của các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới, với quy mô lớn hơn sẽ nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt bạn bè quốc và làm tăng vị thế cho Việt Nam trong việc liên kết hay đàm phán về tài chính, chứng khoán với khu vực và quốc tế. SGDCK Việt Nam sau khi hợp nhất sẽ đóng vai trò như một tổ chức dịch vụ đa năng với quy mô thị trường lớn có khả năng thỏa mãn nhu cầu đầu tư của cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, giúp luân chuyển dòng vốn đầu tư, đồng thời tăng tính thanh khoản qua khối lượng và giá trị giao dịch cho TTCK Việt Nam.
(ii) Đối với công chúng đầu tư: Việc hợp nhất hai Sở GDCK sẽ tạo nên một TTCK tập trung, một hệ thống giao dịch duy nhất cho các công cụ đầu tư. Lợi ích của nhà đầu tư được nâng lên khi các quy định, nguyên tắc trong việc giao dịch được thống nhất tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc theo dõi thông tin và giao dịch. Sản phẩm thị trường được xây dựng và tổ chức chuyên nghiệp để nhà đầu tư có nhiều lựa chọn.
(iii) Đối với các tổ chức phát hành chứng khoán: Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn và niêm yết, tăng cường quảng bá trên TTCK có quy mô lớn. Với mô hình tổ chức mới, các hoạt động liên quan đến hoạt động đấu giá doanh nghiệp nhà nước và niêm yết sẽ được tập trung và chuyên sâu hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy quá trình niêm yết các DNNN quy mô lớn nhằm tăng cung hàng hóa có chất lượng cho thị trường.
(iv) Đối với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán: Việc hợp nhất hai Sở GDCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên thị trường, giảm thiếu chi phí kết nối, chi phí như đầu tư hệ thống giao dịch, thuê đường truyền… Với việc từ nay chỉ còn một hệ thống giao dịch, các thành viên thị trường dễ dàng tập trung nguồn lực (vốn, con người, chất xám) vào phát triển hệ thống công nghệ tương thích với Sở (thay vì phân tán như trước kia). Trên cơ sở đó, các thành viên có điều kiện để chú trọng phát triển kinh doanh và cung cấp dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho nhà đầu tư.
(v) Đối với các cơ quan quản lý: Việc tổ chức một Sở GDCK duy nhất sẽ góp phần tạo nên một TTCK tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường. Một Sở GDCK duy nhất với quy mô lớn hơn, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý, định hướng phát triển thị trường, thống nhất các mảng thị trường. Hơn nữa, với việc hình thành một hệ thống giao dịch, hệ thống thông tin, hệ thống giám sát sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và các chính sách đối với TTCK.
(vi) Đối với Sở GDCK Việt Nam: Với việc hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán, Sở GDCK Việt Nam sẽ được Nhà nước tập trung về chính sách, cơ chế và tài chính để phát triển TTCK theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, tăng cường các giải pháp kỹ thuật, cũng như các tiện ích cho thị trường, tăng tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và thế giới. Với nền tảng hệ thống công nghệ thông tin phức hợp hiện đại được đầu tư đồng bộ, Sở GDCK Việt Nam dễ dàng tập trung nhân lực, vật lực trong việc nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ mới cung cấp cho thị trường, cũng như hỗ trợ tích cực cho năng lực quản lý, giám sát thị trường hướng tới sự phát triển bền vững.
Sở GDCK Việt Nam kế thừa và phát huy được thế mạnh về nhân lực có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, điều hành thị trường, đồng thời tạo động lực làm việc, kích thích khả năng sáng tạo và năng động cho nhân viên qua việc chuyên biệt hóa khu vực thị trường.
Bên cạnh đó, việc thành lập Sở GDCK Việt Nam cần có bước đi và lộ trình thích hợp tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Do đó, việc hợp nhất các Sở GDCK sẽ được thực hiện theo lộ trình để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường và gắn liền với phát triển TTCK phái sinh.
Lộ trình hợp nhất các Sở GDCK dự kiến sẽ được thực hiện làm hai giai đoạn: từ 2015-2017 là giai đoạn kế thừa và duy trì hoạt động các TTCK như hiện tại, từng bước sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu và chuẩn bị cơ sở pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai TTCK phái sinh. Sau năm 2017 là tổ chức điều hành 3 thị trường giao dịch chứng khoán riêng biệt bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ từng khu vực thị trường và khả năng kết nối với TTCK trong khu vực.