Hợp nhất để mạnh hơn

(ĐTCK-online) Sự hợp nhất đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực, song chắc chắn còn nhiều việc phải làm…
Hợp nhất để mạnh hơn

>> Khởi động quá trình tái cấu trúc ngân hàng

Hợp nhất tự nguyện

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Nhiều ngân hàng đã không thể tăng vốn kịp tiến độ quy định năm 2010, nhiều ngân hàng đã tăng được vốn theo quy định, song nhìn chung, lượng vốn vẫn quá nhỏ để có thể thích nghi với những biến động trên thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng tín dụng trong khi năng lực quản trị rủi ro kém đang đặt nhiều ngân hàng trước những rủi ro về tín dụng và rủi ro thanh khoản không nhỏ.

Thực trạng đó khiến yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết vào lúc này và ngành ngân hàng đã và đang đẩy nhanh quá trình triển khai chủ trương tái cấu trúc đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Động thái hợp nhất 3 ngân hàng được xem là phát pháo hiệu cho quá trình này.

Việc cho phép hợp nhất 3 ngân hàng với sự "tham gia hỗ trợ toàn diện" của BIDV là một quyết định hợp lý, nhằm đảm bảo ngân hàng sau hợp nhất có được "điểm tựa", đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và nhà đầu tư, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô cũng như chính trị, xã hội…

Bên cạnh sự hỗ trợ của BIDV, ngân hàng sau hợp nhất cũng nhận được sự hợp tác chiến lực của Quỹ Đầu tư Macquarie Capital, tổ chức cung cấp toàn cầu các dịch vụ về ngân hàng, tài chính, tư vấn đầu tư và quản lý quỹ của Úc trong việc tìm kiếm các cổ đông chiến lược, huy động vốn và phát triển các chiến lược kinh doanh mới.

 Hợp nhất để mạnh hơn ảnh 1

Lễ ký kết hợp tác chiến giữa BIDV và 3 ngân hàng hợp nhất

Thách thức phía trước

Để việc hợp nhất thành công, có hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết. Trước hết, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động, tài sản, công nợ và nguồn vốn còn lại của các ngân hàng. Quá trình xử lý nợ xấu (bán nợ) làm sạch báo cáo tài chính cũng sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu một cách hợp lý, hợp lệ.

Báo cáo tài chính của 3 ngân hàng này cho thấy, tình trạng tài chính khá rủi ro. Tỷ lệ cho vay/huy động của 3 ngân hàng khá cao. Tỷ suất lợi nhuận (ROE) lại ở mức rất thấp. Do vậy, ngân hàng mới sau hợp nhất có thể cần được bổ sung vốn để bù đắp rủi ro tín dụng và đảm bảo an toàn tài chính.

Ngoài vấn đề về vốn, việc áp dụng một mô hình quản trị chung cho toàn hệ thống cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là việc xắp xếp lại nhân sự - trên thực tế, thường nhạy cảm và phức tạp nhất, nhiều rủi ro nhất.

Trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, vụ hợp nhất đầu tiên này chắc chắn sẽ không dễ dàng đối với cả các ngân hàng lẫn cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các vụ hợp nhất tiếp theo.

Một số chỉ tiêu của ngân hàng sau hợp nhất và 6 ngân hàng TMCP niêm yết
(ĐVT: tỷ đồng, Nguồn: theo BCTC đến 30/9/2011)

Hồ Bá Tình
Hồ Bá Tình

Tin cùng chuyên mục