Hợp lực để vượt qua “sóng lớn”

(ĐTCK-online) Theo Báo cáo của Chính phủ, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý thị trường, trong đó có TTCK còn nhiều bất cập, yếu kém; chậm đề ra các chính sách thích hợp, có hiệu quả để quản lý và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường nói chung, TTCK nói riêng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến TTCK vẫn chưa ra khỏi "cơn bĩ cực". Theo TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM, vấn đề hiện nay là các chủ thể tham gia thị trường phải trụ vững để chờ cho cơn suy thoái đi qua.
TS. Trần Du Lịch. TS. Trần Du Lịch.

Thưa ông, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2007 vừa được các DN niêm yết công bố thì hoạt động sản xuất - kinh doanh nhìn chung vẫn khả quan. Điều này sẽ hậu thuẫn cho sự phát triển của TTCK năm 2008?

Năm 2007, TTCK và bất động sản tăng trưởng nóng, nhiều DN đã đầu tư đáng kể vào thị trường này nên hầu hết đều thu được lợi nhuận, thậm chí có DN thu được lợi nhuận rất cao. Nhưng hãy chờ thêm một thời gian nữa, khi các DN thực hiện quyết toán tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2008 thì sẽ thấy thực tế năm nay sẽ khác xa. Với những diễn biến trên TTCK và thị trường bất động sản những tháng đầu năm, các DN đầu tư vào 2 lĩnh vực này đều phải trả giá. 

 

Theo ông, các chủ thể tham gia TTCK phải làm gì để vượt qua cơn sóng gió này?

Với những gì đã và đang diễn ra, có thể khẳng định, TTCK trong tương lai gần tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vấn đề hiện nay là các chủ thể tham gia thị trường phải trụ cho được để chờ cơn suy thoái đi qua. Trong lúc "nước sôi lửa bỏng", vấn đề quan trọng nhất là không được hoảng loạn, càng hoảng loạn càng làm cho tình hình thêm xấu.

 

Liệu có trụ được không, khi nhà đầu tư cá nhân đua nhau tháo chạy khỏi thị trường, còn các chủ thể khác cũng nghĩ rằng, chỉ có rút khỏi thị trường mới mong giảm được thua lỗ?

Những chủ thể tham gia thị trường suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng thiếu một tầm nhìn dài hạn. Điều cần nhất trong lúc này là Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính… đứng ra làm đầu mối kêu gọi, kiến nghị các chủ thể tham gia thị trường hợp lực lại để vượt qua "sóng lớn". Nếu ví TTCK như một hải đội, mỗi chủ thể là một con tàu thì trong lúc gặp bão người ta sẽ phải xử lý ra sao? Nếu ai cũng cố chạy để tránh bão thì có khi tất cả đều "chìm". Giải pháp tốt nhất trong trường hợp đoàn tàu gặp bão giữa biển khơi là mọi người phải bình tĩnh, hợp thành một khối, cùng nhau tìm cách giảm thiệt hại của thiên tai thì mới vượt qua được.

 

Ông cho rằng, các DN niêm yết đầu tư đa ngành, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bất động sản sẽ dẫn đến thua lỗ, thế còn việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) thì sao?

Các DN ngoài quốc doanh, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư là một xu hướng đúng. Tuy nhiên, với các TĐKT thì cần phải xem lại, bởi sự ra đời và tồn tại của TĐKT là nhằm phục vụ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. TĐKT vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa làm nhiệm vụ chính trị, chứ không đơn thuần là chỉ chạy theo lợi nhuận. Trong tình hình nhiều TĐKT nhiệm vụ được giao làm chưa tốt, thiếu nguồn lực (cả nguồn vốn lẫn nhân lực) khiến hiệu quả hoạt động chưa cao, mà lại đi kinh doanh các lĩnh vực khác, những ngành khác xa so với nhiệm vụ chính thì phải xem lại. Trong năm 2007, trước hiện tượng TTCK, ngân hàng, bất động sản tăng trưởng nóng, nhiều TĐKT đã tập trung một nguồn lực đáng kể để đầu tư vào những lĩnh vực này. Còn từ đầu năm đến nay, những lĩnh vực thu "siêu lợi nhuận" trước đây đã giảm sút sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh năm 2008 của các TĐKT. Việc đầu tư "theo phong trào" này rất nguy hiểm. Chính phủ cần phải có biện pháp chấn chỉnh ngay, phải xử lý quyết liệt, thậm chí phải quy trách nhiệm HĐQT của những TĐKT đầu tư tràn lan. 

 

TĐKT nào đầu tư "đa ngành, đa lĩnh vực" khiến ông bức xúc nhất?

Không chỉ riêng tôi mà trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng rất bức xúc trước việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro và khác quá xa với nhiệm vụ chính của EVN. Có đại biểu cho biết, cử tri rất quan tâm trước việc EVN đầu tư 260 triệu USD xây dựng một khu khách sạn nghỉ dưỡng. Là một đơn vị được Nhà nước đầu tư vốn, lẽ ra EVN phải dồn toàn tâm, toàn lực để phát triển hệ thống điện, cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đằng này nhiệm vụ chính chưa làm tốt đã đi vào lĩnh vực khác. EVN trước hết phải bảo đảm đủ nguồn điện, đừng để nền kinh tế lúc nào cũng trong tình trạng thiếu điện, mà lại dồn sức sang lĩnh vực khác.

 

Nhưng nhiều TĐKT cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực khác để lấy ngắn nuôi dài?

Đây chỉ là ngụy biện. Nếu lý luận rằng, lấy lợi nhuận đầu tư ở lĩnh vực khác để phục vụ cho nhiệm vụ chính thì hãy đặt vấn đề ngược lại, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản giảm mạnh, thị trường tiền tệ gặp khó khăn, TTCK giảm sút thì lấy gì để bù đắp khoản thua lỗ này?

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ