Hợp đồng mua bán căn hộ mẫu… có mẫu?

(ĐTCK) Đã có một thời kỳ, tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán nhà chung cư tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM bùng nổ như một “đại dịch” và người chịu thiệt luôn là khách hàng. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo nhiều đại diện văn phòng tư vấn luật, các hợp đồng mua bán do chính các chủ đầu tư soạn thảo, phục vụ cho ý chí và lợi ích của doanh nghiệp.
Hợp đồng mua bán căn hộ mẫu… có mẫu?

Hợp đồng mua bán vì thế thường được cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp, trong khi không nhiều khách hàng đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, nên khi có tranh chấp, phần thiệt luôn thuộc về người mua.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua, ngày 13/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2012, ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, có 9 danh mục hàng hóa bắt buộc phải có hợp đồng mẫu là điện, nước sinh hoạt, truyền hình trả tiền, kết nối internet, thuê bao di động cố định và di động trả sau, vận chuyển hành khách đường sắt, đường không và hợp đồng mua căn hộ chung cư.

Mặc dù quy định bắt buộc các hợp đồng mua bán nhà chung cư phải có hợp đồng mẫu, nhưng không vì thế mà tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán chấm dứt, thậm chí, tại một số dự án, dù chủ đầu tư đã đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan có thẩm quyền, nhưng tranh chấp vẫn cứ xảy ra, đơn cử như tại Dự án Hyundai HillState (quận Hà Đông) của Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây.

Cách đây không lâu, một số khách hàng của Dự án Hyundai HillState gửi đơn tới đường dây nóng của Đầu tư Bất động sản phản ánh, hợp đồng mua bán mà họ ký kết với chủ đầu tư dự án này có nhiều điều nhập nhèm liên quan đến người ký và người đại diện, các điều khoản phạt vi phạm hợp đồng... Tuy nhiên, khi khách hàng kiến nghị, chủ đầu tư cho rằng, đây là hợp đồng mẫu, đã đăng ký với cơ quan nhà nước, nên khó thay đổi(?). Do những nhập nhèm này, nên nhiều tranh chấp tiếp tục phát sinh sau khi khách hàng nhận bàn giao nhà, như phí dịch vụ, chất lượng công trình...

Trong khi đó, tại Dự án Deawoo Cleve (quận Hà Đông) do Công ty TNHH Hibrand Việt Nam làm chủ đầu tư, nhiều khách hàng của dự án này rất bức xúc khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ phạt vi phạm như quy định trong hợp đồng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Giám đốc Công ty Luật Intercode cho rằng, việc bắt buộc phải có hợp đồng mẫu đối với các giao dịch có liên quan đến đông đảo người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tranh chấp. Thế nhưng, tại nhiều dự án, chủ đầu tư thậm chí còn không công khai hợp đồng mẫu để khách hàng tham khảo, điều chỉnh, bổ sung các điều khoản, nhằm đảm bảo yếu tố tự do, tự nguyện trong việc ký kết hợp đồng.

Trong một số trường hợp, dù đã có hợp đồng mẫu, nhưng chủ đầu tư không tôn trọng, tiếp tục vận dụng, bổ sung những điều khoản có lợi vào hợp đồng. Vì thế, “tuổi thọ” của các hợp đồng mẫu hiện nay rất ngắn và không đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng trong tình huống xảy ra tranh chấp.

“Về nguyên tắc, ngay cả khi chủ đầu tư đã đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì khách hàng vẫn có thể yêu cầu thỏa thuận lại điều khoản của hợp đồng mẫu, nhằm đảo bảo sự tự do, tự nguyện trong việc ký kết hợp đồng”, luật sư Thắng nói và cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông minh, để tự vệ, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Người mua phải biết đòi hỏi những quyền lợi chính đáng để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nguyên Minh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục