Hong Kong với mớ bòng bong sau chuyện Moody’s hạ tín nhiệm

Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm Hong Kong không phải đánh giá đơn thuần về gói kích thích tài khóa yếu ớt hay các vấn đề nhức nhối như nhà ở, bất bình đẳng về cơ hội kinh tế mà hằn sâu là chuyện thể chế và quản trị yếu kém của đặc khu này.
Biểu tình và bạo loạn chống chính quyền những tháng qua làm tê liệt ngành du lịch và bán lẻ Hong Kong, đẩy kinh tế Hong Kong vào lần suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: AFP Biểu tình và bạo loạn chống chính quyền những tháng qua làm tê liệt ngành du lịch và bán lẻ Hong Kong, đẩy kinh tế Hong Kong vào lần suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: AFP

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm 20/1 hạ bậc tín nhiệm của Hong Kong (Trung Quốc) từ Aa2 xuống Aa3 với đánh giá rằng chính quyền Hong Kong thất bại trong việc giải quyết những bất ổn xã hội suốt 7 tháng qua khiến kinh tế đặc khu này rơi vào suy thoái. Biểu tình và bạo loạn chống chính quyền những tháng qua làm tê liệt ngành du lịch và bán lẻ Hong Kong, đẩy kinh tế Hong Kong vào lần suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Cùng ngày Moody’s hạ tín nhiệm, chính quyền Hong Kong công bố tỷ lệ thất nghiệp quý IV/2019 tăng lên 3,3%, cao nhất kể từ tháng 3/2017 và tăng 0,5 điểm phần trăm so với trước khi xảy ra biểu tình.

Nhật báo Phố Wall (WSJ) dẫn đánh giá của Moody’s cho rằng: “Việc các cơ quan hành pháp và lập pháp Hong Kong thiếu những biện pháp xử lý hữu hiệu các mối đe dọa khiến biểu tình gia tăng. Sự trì trệ đặc trưng của các cơ quan này cho thấy thể chế và năng lực quản trị của Hong Kong yếu hơn so với dự báo trước đó”.

Trong một tuyên bố gần đây, chính quyền Hong Kong phản bác mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s khi cho rằng xếp hạng tín nhiệm này không phù hợp với các quy tắc tín dụng của Hong Kong.

Tín nhiệm thấp đi có thể khiến chính quyền và doanh nghiệp Hong Kong gánh chịu chi phí vay cao hơn. Không riêng gì Moody’s, tập đoàn Fitch hồi tháng 9/2019 cũng hạ 1 bậc tín nhiệm của Hong Kong từ “AA+” xuống “AA”. Trong số 3 hãng xếp hạng tín nhiệm có uy tín, tập đoàn S&P Global giữ tín nhiệm Hong Kong cao nhất ở mức AA+.

Trong lần đánh giá này, Moody’s đã chuyển đánh giá triển vọng từ mức “tiêu cực” sang “ổn định” đối với gánh nợ tối thiểu và dự trữ ngoại hối của chính quyền Hong Kong. Các nhà phân tích nhận định, điều này giúp Hong Kong duy trì ổn định của đô la Hong Kong so với đô la Mỹ kể cả trong bối cảnh bất ổn chính trị-xã hội.

Moody’s cho biết các yếu tố căn bản đi đến quyết định hạ tín nhiệm là do các cuộc biểu tình nghiêm trọng tại Hong Kong trong khi các gói kích thích tài khóa mà chính quyền Hong Kong công bố không đủ mạnh để cải thiện khả năng chi trả nhà ở hoặc bất bình đẳng thu nhập - hai trong số những vấn đề nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Theo Moody’s, phản ứng của chính quyền Hong Kong trước các yêu cầu mang tính chính trị, đặc biệt vấn đề về mức sống của người dân, giá nhà, sự bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh tế vẫn còn chậm chạp, thiếu quyết đoán và không rõ rệt. Ngoài ra, sự tự chủ của Hong Kong đang cho thấy những hạn chế đáng kể dưới chính sách “1 quốc gia, 2 chế độ” trong mối quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Theo Nhật báo South China Morning Post, chính quyền Hong Kong dự báo tăng trưởng kinh tế Hong Kong sẽ chững lại còn 1,3% trong năm 2019 do suy thoái kinh tế trong quý III/2019, trong đó doanh thu ngành bán lẻ và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc biểu tình. Dù Hong Kong tung ra một số gói kích thích tài khóa được công bố hồi tháng 8/2019, nhưng Moody’s cho rằng từng đó là chưa đủ lực để cải thiện khả năng chi trả nhà ở hay giải quyết vấn đề phân phối thu nhập và tài sản công bằng hơn ở Hong Kong.

Tháng trước, chính quyền Hong Kong cũng công bố một loạt các biện pháp cứu trợ trị giá khoảng 4 tỷ đô la Hong Kong để hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ đối phó với suy thoái kinh tế. Đây được xem là biện pháp mạnh tay nhất trong gói tài khóa hơn 21 tỷ đô la Hong Kong mà chính quyền nơi đây công bố kể từ quý III/2019.

Biểu tình và bạo luận gây chấn động Hong Kong kể từ tháng 6/2019 khi chính quyền nơi đây đề xuất dự luật dẫn độ công dân về Trung Quốc đại lục xét xử. Dù dự luật đã bị hủy bỏ sau đó, nhưng các cuộc biểu tình rầm rộ vẫn tiếp diễn và người biểu tình tiếp tục ra yêu sách mở cuộc điều tra về việc cảnh sát đàn áp trong các cuộc biểu tình, đồng thời đòi quyền bầu trực tiếp các nhà lãnh đạo Hong Kong.

Cuối tuần trước, hàng nghìn người đã tập trung tại quận tài chính Hong Kong. Nhiều người biểu tình mặc trang phục đen và đeo mặt nạ nhằm đòi quyền bầu cử phổ thông. Cảnh sát cho biết những người biểu tình bắt đầu có hành vi bạo lực nên đã bắn hơi cay để giải tán đám đông.

Tình trạng bất ổn xã hội dai dẳng lộ rõ những vấn đề “cắm rễ” lâu nay trong xã hội Hong Kong. Hãng tin CNBC dẫn lời chính quyền Hong Kong cho biết họ đang chủ động tìm cách đối thoại với các nhóm người (biểu tình) khác nhau.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục