Hồn xưa Tam Đảo

Có một vẻ đẹp chỉ của riêng thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - vẻ đẹp của xưa cũ hòa quyện trong hoài niệm ngự trên những non cao... 
Hồn xưa Tam Đảo

Chiều tà dạo bộ trên thị trấn Tam Đảo xinh đẹp, cảm giác thảnh thơi, bình yên đến khó tả. Đôi khi có những cơn mưa bất chợt ào xuống thị trấn nhỏ khiến ai đó chẳng kịp bung dù. Mưa tạnh. Bầu trời vẫn còn những đám mây lững lờ vờn đùa cảnh vật, dụ dỗ ánh mắt lữ khách. Cái kiểu thời tiết kỳ diệu ấy có sức cuốn hút biết bao!

Trong cái lành lạnh chớm thu, người ta chợt nhận ra dĩ vãng đang hiện về ở bụi cây, đám cỏ, sườn núi nơi Tam Đảo. Những bức tường rêu phong lẻ loi bên vệ đường hay một chân cột nhà đã bị cây su su che khuất. Đó là dấu tích những biệt thự, khách sạn, nhà hàng mang phong cách kiến trúc Pháp đã được xây dựng cách đây một thế kỷ.

Vẻ đẹp lãng mạn trong nghệ thuật kiến trúc phương Tây ấy đã biến Tam Đảo thành một Đà Lạt của đất Bắc. Nhưng rồi thời gian và chiến tranh dần phá hủy gần như toàn bộ các công trình kiến trúc, đẩy nó xuống dưới lòng đất, đổ nát hay vùi mình trong cây cỏ.

Có lẽ không còn mấy ai nhớ người Pháp đã dùng cụm từ "Hòn ngọc Đông Dương" để chỉ Tam Đảo thời hoàng kim. Thời đó Tam Đảo như một thị trấn thuần Pháp, kiêu hãnh trên sườn dốc, đỉnh núi. Những khâm sứ, toàn quyền Đông Dương của thực dân Pháp hay đám quan đại thần nhà Nguyễn đã bao lần cùng gia đình du hí xứ sở thần tiên này và ở lại trong các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thời đó. Rồi "Hòn ngọc Đông Dương" vỡ dần, phủ bụi thời gian, gần như biến mất.

Hồn xưa Tam Đảo ảnh 1

 Tam Đảo ngày nay

Theo số liệu thống kê, có khoảng 120 công trình kiến trúc được Pháp xây dựng ở Tam Đảo. Đến nay, ngay cả ý niệm về những công trình ấy cũng chẳng hiện hữu trong tâm thức người dân nơi đây. May lắm cũng chỉ có vài ba người tuổi sắp về trời ở Tam Đảo nhớ được vài chuyện xưa.

Họ kể, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1948, quân và dân ta phải triệt các cứ điểm trên cao của địch nên đã phá hủy các công trình kiến trúc diễm lệ đó. Tất cả vì kháng chiến thắng lợi, vì độc lập tự do nên có những thứ phải hy sinh cho mục đích cuối cùng.

Hồn xưa Tam Đảo ảnh 2

 Những cổng vòm đá Tam Đảo luôn là cảnh nền cho bao bức ảnh

Tôi cứ lang thang tìm kiếm trên những nẻo đường uốn lượn đèo dốc trong lòng Tam Đảo. Chỉ cần nhìn thấy một chân cột, một móng nhà hay bức tường đổ là cảm giác dấu xưa hồn cũ Tam Đảo lại hiện về, rồi để mặc cho trí tưởng tượng.

Dường như là sự trả công cho lữ khách đam mê hoài cổ đang lạc bước nơi này, tôi khẽ reo lên khi nhìn thấy một tòa nhà được xem là cổ kính nhất Tam Đảo còn sót lại. Nó uy nghi, sừng sững đứng bên vách núi. Nó như điểm nhấn kiến trúc Pháp với hình hài còn khá nguyên vẹn. Đó là nhà thờ Tam Đảo xây bằng đá trong lòng thị trấn xinh đẹp.

 Chẳng cần ai giải thích thì người ta cũng biết vì sao nhà thờ lại không bị tàn phá thời tiêu thổ kháng chiến. Tất cả những công trình có thể phá, nhưng công trình của tôn giáo, tín ngưỡng thì không thể. Ngày ấy có cả một giáo xứ Tam Đảo với hàng ngàn giáo dân sống quanh vùng này.

 Hiện nay, nhà thờ đá ấy đã nằm lọt trong trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường bê tông dẫn lên đỉnh Thiên Nhị cao gần 1.400 mét. Ngay bên cạnh nhà thờ là khách sạn bậc nhất Tam Đảo hiện nay mang tên Tamdao Star.

 Ngôi sao Tam Đảo của hôm nay và nhà thờ đá do Pháp xây ngày xưa gần bên nhau như một đối sánh của hai trường phái kiến trúc, chất liệu cũ và mới. Nhà thờ đá đã "trơ gan cùng tuế nguyệt" gần trăm năm qua.

Hồn xưa Tam Đảo ảnh 3

 Nhà thờ Tam Đảo

Đứng xa cả trăm mét đã nhận ra một kiệt tác kiến trúc tôn giáo bằng đá đồ sộ, mỹ lệ - lối kiến trúc gothic trong xây dựng nhà thờ, cung điện ở châu Âu đã rất nổi tiếng từ đầu thế kỷ XIII. Pháp đã bê nguyên lối kiến trúc có từ thế kỷ XIII ấy sang Việt Nam để xây dựng nhà thờ Tam Đảo. Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình, nhà thờ Đà Lạt, nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM và nhà thờ đá Tam Đảo chính là một những công trình tiêu biểu thời đó.

Nhà thờ Tam Đảo giờ đây vẫn còn nguyên 2 tầng, tầng đế nền cao 10 mét, 2 chiếc cầu thang ở 2 bên với những bậc đá rêu phong in dấu giày bao người qua lại. Lên đến tầng 2 sẽ gặp một khoảng sân rộng có thể chứa được hơn 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi chiều Chủ nhật.

 Bên cạnh là thánh đường 286 mét vuông (dài 26 mét, rộng 11 mét). Hai bên có những gian nhà phụ hình lục lăng hết sức độc đáo. Mái thánh đường lợp ngói đỏ. Nhà thờ được xây dựng từ đầu những năm 1920 để giáo dân xứ Tam Đảo hành đạo, đã đôi lần được dân giáo xứ vùng này tu sửa.

 Đứng trên nền sân thoáng nhìn về phía trước và 2 bên là những ô cửa mái vòm theo đúng phong cách kiến trúc châu Âu. Những đường nét, chi tiết hoa văn đá nổi hình ngũ giác, lục giác của công trình vẫn còn hiện diện trên từng vách tường, cầu thang để một lần nữa khẳng định người Pháp không chỉ là bậc thầy về kiến trúc tiện dụng mà còn rất hào hoa, lãng mạn.

 Khi mà các biệt thự, nhà hàng ở Tam Đảo với những cái tên Ngoạn Mục, Đường Chân Đèo, Thác Bạc... chỉ còn có thể tìm thấy trên sách báo, tranh ảnh thì nhà thờ đá duy nhất còn tồn tại khá nguyên vẹn trên mảnh đất tươi đẹp này đến hôm nay. Ba khu nhà thờ đá độc đáo nhất miền Bắc ở Sapa, Kim Sơn và Tam Đảo đã khẳng định một thứ chất liệu thô ráp, có rất nhiều ở Việt Nam được người Pháp biến thành vẻ đẹp, sự hài hòa, lãng mạn trong kiến trúc xây dựng.

 Ai đã từng đứng trên sân nhà thờ nhìn qua mái vòm chiêm ngưỡng những đám mây lững lờ trôi, ai đã một lần tựa lưng vào khung cửa đá, ai đã từng lặng ngắm khu nhà thờ từ xa sẽ có cảm giác Tam Đảo đẹp và nổi tiếng được như bây giờ bởi chính là ở những công trình cổ được đặt giữa một vùng đất diệu kỳ.

 Ai yêu Tam Đảo, yêu sự bình yên hoài cổ sẽ luôn tìm đến đây...

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục