“Hòn đá” trước một giai đoạn mới của thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Hiện tại, khối ngoại giao dịch kém tích cực, trong khi khối nội cũng giao dịch thận trọng và rủi ro từ thị trường tài chính thế giới vẫn ở mức cao.
“Hòn đá” trước một giai đoạn mới của thị trường chứng khoán

Nhìn lại 2015 và dự báo 2016

Nhìn lại TTCK năm 2015, mặc dù thị trường vẫn chứng kiến những “con sóng” đi kèm với nhiều cổ phiếu tăng giá tốt, nhưng xét một cách tổng quan, những kỳ vọng về sự khởi sắc của cả chỉ số và thanh khoản thị trường đã không thành hiện thực như các thành viên và NĐT mong đợi.

Về mặt chỉ số, VN-Index một lần nữa không vượt được mốc 640 điểm, thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt bình quân 2.500 tỷ đồng/phiên, giảm 15,7% so với năm 2014. Bên cạnh tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN “siết” tín dụng chứng khoán, thì những ảnh hưởng từ bên ngoài như biến động tiêu cực của giá dầu, cú sốc chứng khoán và tỷ giá của Trung Quốc, quyết định tăng lãi suất của Fed đã tác động mạnh tới diễn biến TTCK Việt Nam.

Diễn biến TTCK không như kỳ vọng, nhưng kinh tế vĩ mô năm 2015 khả quan hơn dự báo, tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, lạm phát được giữ ở mức thấp, nguồn vốn FDI, ODA, kiều hối duy trì tích cực, nợ xấu ngân hàng giảm dưới 3%...

“Hòn đá” trước một giai đoạn mới của thị trường chứng khoán ảnh 1

Bước sang năm 2016, với những tiền đề đạt được trong năm 2015, hầu hết các quan điểm đều đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức tương đương, hoặc cao hơn năm 2015l lạm phát có thể tăng, nhưng vẫn ở mức thấp.

Đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu thực hiện cũng như chuẩn bị cho nhiều cam kết theo các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới, bên cạnh đó là chính thức ký kết Hiệp định TPP. Tuy nhiên, giá dầu thế giới được dự báo duy trì ở mức thấp và biến động khó lường, khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Fed làm tăng áp lực đối với tỷ giá, lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng cùng với đà tăng trưởng tín dụng và lạm phát tăng, nợ công vẫn ở mức cao… 

Giai đoạn mới của TTCK

Đối với TTCK, các CTCK và NĐT đang đứng trước một giai đoạn mới của thị trường. Trong năm 2016, dự báo nguồn cung hàng hóa có chất lượng sẽ tăng, xuất phát từ quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước với nhiều tên tuổi lớn như MobiFone, Satra, Vicem, cùng với đó là việc nhiều DN lớn như May 10, May Việt Tiến, hay các DN đủ điều kiện là công ty đại chúng, hoặc đã IPO sẽ phải lên sàn theo quy định của Thông tư 180/2015/TT-BTC.

Ngoài ra, với việc ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC nhướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, quyết định thoái vốn nhà nước tại nhiều DN niêm yết và tới đây, thực thi Nghị định 60/2015/NĐ-CP, quy định nới “room” nước ngoài tại các DN sẽ được cụ thể hóa, tạo sức hút mới với dòng vốn ngoại.

“Hòn đá” trước một giai đoạn mới của thị trường chứng khoán ảnh 2

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ TTCK khác như rút ngắn thời gian thanh toán, cho phép bán chứng khoán trên đường về tài khoản, giao dịch trong ngày sẽ được triển khai, cùng với việc TTCK phái sinh dự báo được đưa vào vận hành kể từ cuối năm...

Tất cả những yếu tố kể trên cho thấy, TTCK sẽ có những thay đổi cả về lượng và chất, mở ra cơ hội cho các thành viên thị trường và NĐT, dù cũng có những thách thức nhất định. 

… nhưng hiện tại chưa tích cực

Trở lại với thị trường hiện tại, thông tin về Đại hội Đảng lần thứ XII đang được NĐT theo dõi sát sao. Trong chương trình nghị sự, Đại hội sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới. Công việc quan trọng khác là Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Liên quan đến kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,4%. Trong báo cáo được công bố mới đây, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Mỹ trong năm nay so với dự báo công bố hồi tháng 10/2015. Nguyên nhân là do sự sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Theo IMF, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1% trong năm 2015. Tổ chức này dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2016 và 6% trong năm 2017, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 10/2015.

Đáng chú ý, giá dầu tiếp tục giảm sâu xuống 27 USD/thùng và TTCK nhanh chóng quay lại trạng thái điều chỉnh sâu với độ rộng thị trường thu hẹp khá nhanh về cuối các phiên. Hầu hết cổ phiếu blue-chips thuộc các nhóm ngành lớn như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã trở lại giao dịch với sắc đỏ quen thuộc sau phiên hồi phục tích cực ngày 19/1. Tâm lý thận trọng bao trùm khiến giao dịch diễn ra chậm, lượng cầu giá cao giao dịch kém tích cực, trong khi áp lực bán chiếm ưu thế khiến trạng thái điều chỉnh lan ra trên diện rộng.

TTCK Việt Nam vẫn cho thấy mối tương quan khá chặt với diễn biến TTCK thế giới. Biến động điều chỉnh giảm nhanh chóng trở lại trong 2 phiên gần nhất diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu bất ổn. Diễn biến này cũng cho thấy, xu hướng giảm điểm của thị trường nhìn chung vẫn chưa thay đổi sau phiên tăng điểm trước đó. Khối ngoại giao dịch kém tích cực trong khi khối nội cũng giao dịch thận trọng và rủi ro từ thị trường tài chính thế giới vẫn ở mức cao là các yếu tố cản trở đà hồi phục bền vững tại thời điểm hiện tại.

Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục