Hơn 9,5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 9,5 triệu ca nhiễm và gần 484.000 người chết do nCoV, tình hình dịch bệnh tại châu Mỹ và Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Một bệnh nhân Covid-19 ra viện ở Texas cuối tháng 5. Ảnh: Reuters. Một bệnh nhân Covid-19 ra viện ở Texas cuối tháng 5. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.504.208 ca nhiễm và 483.681 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 169.476 và 4.934 trong 24 giờ qua. 5.161.054 người đã bình phục.

WHO dự tính ca nhiễm toan cầu sẽ vượt 10 triệu vào tuần tới và cảnh báo rằng dịch vẫn chưa đạt đỉnh ở châu Mỹ.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.459.156 ca nhiễm và 124.200 ca tử vong, tăng lần lượt 34.988 và 727 ca trong 24 giờ.

Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số ca mới trong một ngày cao chưa từng thấy như Arizona, California, Mississippi, Nevada và Texas.

Bang Washington và California yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Giải marathon Thành phố New York, sự kiện thường thu hút 50.000 người tham gia và khoảng một triệu khán giả, đã bị hủy vì cho rằng nó quá nguy hiểm. 

Thống đốc Texas, người đã nới lỏng hạn chế về kinh doanh, ăn uống ở nhà hàng, tụ tập công cộng và đi lại, giờ kêu gọi người dân tiếp tục ở nhà. Florida cảnh báo các quán bar và nhà hàng có thể mất giấy phép bán rượu nếu không tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.

New York, New Jersey và Connecticut ra chỉ dẫn đi lại, yêu cầu cách ly 14 ngày người đến từ các bang có tỷ lệ nhiễm nCoV trung bình 7 ngày cao hơn 10 người trên 100.000 cư dân.

Vào 24/6, hạn chế này được áp đặt với người đến từ Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, bang Washington, Utah và Texas.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 37.152 ca nhiễm và 1.059 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.188.631 và 53.830.

Các nhà nghiên cứu lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây.

Các thống đốc và thị trưởng dỡ bỏ những hạn chế đối với thương mại và hoạt động kinh tế khác do áp lực từ Tổng thống Bolsonaro và sự chán nản của công chúng sau nhiều tháng thực hiện "cách biệt cộng đồng".

Các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và gây thêm nhiều tử vong.

Các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. 

Peru ghi nhận thêm 3.879 ca nhiễm và 182 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 264.689 và 8.586, tiếp tục là vùng dịch thứ bảy thế giới. Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa, trung tâm thương mại ở một số khu vực hoạt động trở lại.

Chile xếp thứ tám với 254.416 ca nhiễm và 4.731 ca tử vong, tăng lần lượt 3.649 và 226. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán barvẫn đóng cửa.

Mexico đứng thứ 13 với 191.410 ca nhiễm và 23.377 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.288 và 793. Thủ đô Mexico City buộc phải hoãn các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, trong khi giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ tiếp tục tăng khi quá trình làm phẳng đường cong đang chững lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 154 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.513. Số ca nhiễm tăng 7.176, lên 606.881.

Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát và người dân Moskva, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, từ giữa tháng 6 được đến bảo tàng và các nhà hàng ngoài trời. Nga hôm qua tổ chức duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng sau khi hoãn sự kiện này hơn một tháng. 

Nga cho biết dù tình hình dịch đã giảm nhiệt, nước này vẫn chuẩn bị phương án để đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.

Anh báo cáo thêm 652 ca nhiễm và 154 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 306.862 và 43.081. Giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19 từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan".

Thủ tướng Boris Johnson dự kiến cho phép quán rượu, khách sạn, nhà nghỉ, khu cắm trại, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng trưng bày mở cửa trở lại từ ngày 4/7. Quy định giãn cách hai mét ở nơi công cộng sẽ được giảm xuống còn một mét.

Các gia đình Anh có thể thoải mái gặp gỡ nhau lần đầu tiên kể từ tháng 3, trong khi tất cả trường học dự kiến mở cửa lại vào tháng 9. Tuy nhiên, các câu lạc bộ đêm, phòng tập gym và bể bơi vẫn đóng cửa.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 334 ca nhiễm và hai ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 294.166 và 28.327. Nước này từ 21/6 chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau ba tháng áp dụng để chống Covid-19.

Họ cũng cho phép người nước ngoài từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không cần cách ly hai tuần. Bồ Đào Nha là ngoại lệ duy nhất khi quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha tới 1/7.

Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các không gian công cộng, cả ở trong nhà lẫn ngoài trời, nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 mét.

Chính quyền từng khu vực sẽ quyết định về số lượng người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các không gian công cộng như bãi biển, bể bơi, nhà hát, trường học và quán ăn.

Italy ghi nhận thêm 190 ca nhiễm và 30 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 239.410 và 34.644. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 439 ca nhiễm và 17 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 193.217 và 9.003. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các quốc gia trong khối EU từ 15/6.

Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến 29/6. Thủ tướng Angela Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.

Giới chức y tế Đức đang đối phó đợt bùng phát mới tại nhà máy chế biến thịt Rheda-Wiedenbruck ở quận Gueterloh, bang Bắc Rhine-Westphalia. Bang này đã tái áp đặt phong tỏa với Guetersloh và thị trấn lân cận Warendorf.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.531 ca nhiễm, nâng tổng số lên 212.501, trong đó 9.996 người chết, tăng 133 trường hợp so với hôm trước.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cảnh báo các con số thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu người dân không chịu ở nhà trong kỳ nghỉ sắp tới. Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa. Chính quyền đang cân nhắc ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.123 ca nhiễm và 41 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 167.267 và 1.387. Nước này bắt đầu chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6 nhưng các cuộc hành hương tôn giáo và tụ tập hơn 50 người trở lên vẫn bị hạn chế.

Giới chức có kế hoạch giới hạn số người được phép tham gia lễ hành hương Hajj, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, nhằm tránh virus lây lan.

Tại Nam Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 472.985 ca nhiễm, và 14.907 ca tử vong, tăng lần lượt 16.870 và 424.     

Tuy nhiên, nước này đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc chưa báo cáo số liệu. Giới chức Bắc Kinh hôm qua tuyên bố về cơ bản kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Chợ Tân Phát Địa và hàng chục khu dân cư được coi là rủi ro cao đã bị phong tỏa kể từ 13/6.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 49.009 ca nhiễm, tăng 1.113 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.573 người chết, tăng 38 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.

Singapore ghi nhận 42.432 ca nhiễm, tăng 119, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore đang dỡ bỏ hạn chế theo từng giai đoạn. Từ đầu tháng 6, các trường học đã hoạt động trở lại.

Phòng tập gym, công viên, bãi biển và nhà hàng hiện có thể mở cửa trở lại nhưng các sự kiện tôn giáo, quán bar, nhà hát và các sự kiện quy mô lớn vẫn chưa được phép.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục