Hơn 5.000 container phế liệu ứ đọng: “Cảng biển không đủ chỗ kiểm hàng“

Trước vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm là phế liệu ồ ạt về Việt Nam khi Trung Quốc cấm nhập loại hàng này từ cuối năm 2017, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan khẳng định: Các kho ở cảng Việt Nam không đủ chỗ để lấy mẫu hàng hoá. Nếu phải mở tung hết các container, cảng sẽ không có chỗ để.
Phế liệu nhập khẩu tại cảng (ảnh minh hoạ).

6 tháng qua, gần 21.000 tấn phế liệu về Việt Nam mỗi ngày

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan: Mặt hàng phế liệu là mặt hàng đặc thù, phải lấy mẫu và xem hàng hóa đó có thực sự đảm bảo yêu cầu hay không. 

Nếu muốn kiểm tra đầy đủ đúng quy trình thì phải dỡ bỏ hết hàng từ container xuống, nhưng khó khăn là cảng không còn đủ chỗ lấy mẫu, nếu như kiểm tra bằng việc mở tung hết các container ra sẽ không có chỗ để.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 7/2018, cả nước tồn hơn 5.000 container phế liệu các loại, trong đó nhiều nhất là cảng TP.HCM với hơn 3.500 container, còn lại hơn 1.400 container ở cảng Hải Phòng.

Dù lượng tồn đọng phế liệu lớn, song tốc độ nhập khẩu mặt hàng "nhạy cảm" này trong 3 năm gần đây có xu hướng tăng mạnh.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, nhựa, giấy và sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam đạt hơn 4,7 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là sắt thép phế liệu chiếm hơn 3,8 triệu tấn.

Năm 2017, tổng lượng phế liệu nhập khẩu nói trên về Việt Nam đạt hơn 6,5 triệu tấn, tăng hơn 1,8 triệu tấn so với năm trước. Lượng phế liệu nhập khẩu tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập hơn 3,8 triệu tấn phế liệu, bằng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Làm phép so sánh sẽ thấy rõ, nếu năm 2016, mỗi ngày có hơn 12.800 tấn phế liệu được nhập về Việt Nam, thì năm 2017 con số này là 17.800 tấn, 6 tháng đầu năm 2018, mỗi ngày có hơn 20.800 tấn phế liệu dồn về Việt Nam.

Lượng tăng nên kim ngạch cũng tăng tương ứng, năm 2016, cả nước chi hơn 1 tỷ USD để nhập phế liệu về; năm 2017 con số này lên đến 1,8 tỷ USD và 6 tháng qua, con số kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD.

Trung bình, năm 2016, mỗi ngày Việt Nam chi hơn 2,7 triệu USD nhập phế liệu về nước thì năm 2017, mỗi ngày chúng ta phải bỏ ra gần 5 triệu USD để nhập mặt hàng này. Sáu tháng đầu năm 2018, con số này đã vượt lên 6,5 triệu USD/ngày (gần 150 tỷ đồng).

Phế liệu từ Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan đổ dồn về Việt Nam

Về thị trường phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết xuất xứ của phế liệu nhập khẩu trong 3 năm trở lại đây Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan là nước cung ứng chủ yếu cho Việt Nam.

Mặt hàng phế liệu nhựa, 3 nước này chiếm từ 40% đến gần 50% lượng hàng nhập; phế liệu giấy vụn, Mỹ và Nhật thay nhau chiếm lượng nhập về Việt Nam từ trên 50%; mặt hàng phế liệu sắt thép, Nhật Bản 3 năm liền cung ứng cho Việt Nam từ 30% đến trên 50% tổng lượng.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết: Rất khó để phát hiện được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất và doanh nghiệp nào giả mạo, nhập hàng về, vì hải quan chỉ là cơ quan thực thi công vụ.

Ông này nói rõ: Hiện cơ quan hải quan chỉ có bản sao chứng thực doanh nghiệp đủ điều kiện nhập phế liệu và bản phô tô giấy mua bán lô hàng trong quá trình kiểm tra nên không đối chiếu được theo Thông tư 41/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm đối chứng xác định doanh nghiệp đó có vi phạm nhập phế liệu hay không.

“Chúng tôi có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa danh sách các doanh nghiệp được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giấy thông báo lô hàng nhập khẩu lên Cổng thông tin một cửa quốc gia; cùng với đó là giấy thông báo lô hàng nhập khẩu để kiểm tra thông quan", ông Thành nói.

Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nếu được như vậy, cơ quan hải quan mới tránh trường hợp Hải quan không được doanh nghiệp xuất trình bản chính để đối chiếu hàng hóa phế liệu và doanh nghiệp nhập khẩu.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục