Hơn 500 tỷ đồng “bốc hơi”, ai chịu trách nhiệm?

(ĐTCK-online) Việc CTCP Dược Viễn Đông (DVD) công bố trả lại tiền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông (20.000 đồng/CP, đã nộp hồi tháng 10), những tưởng sẽ khép lại câu chuyện về một bản cáo bạch có sai phạm, khiến UBCK phải đình chỉ có thời hạn đợt phát hành này. Tuy nhiên, tính toán của một số chuyên gia cho thấy, đã có hơn 500 tỷ đồng vốn hóa thị trường bị mất đi do động tác kỹ thuật điều chỉnh giá cổ phiếu DVD vào ngày giao dịch không hưởng quyền (8/9/2010).
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng đối với những thiệt hại của cổ đông DVD do đợt chào bán chứng khoán khoán bị đình chỉ? - Ảnh minh họa: Hoài Nam Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng đối với những thiệt hại của cổ đông DVD do đợt chào bán chứng khoán khoán bị đình chỉ? - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Sự mất mát này rơi vào đối tượng cổ đông DVD nắm giữ cổ phiếu đến ngày giao dịch không hưởng quyền. 

>> DVD: HOSE đưa vào diện kiểm soát  

>> Bắt thư ký cựu Chủ tịch HĐQT Dược Viễn Đông

>> Bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Viễn Đông

Hơn 500 tỷ đồng "bốc hơi" vì trót điều chỉnh giá cổ phiếu DVD

Ngày 29/11, DVD thông báo bắt đầu nhận yêu cầu hoàn tiền mua cổ phiếu trong đợt phát hành vừa bị đình chỉ. Thời hạn nhận yêu cầu hoàn tiền sẽ kéo dài trong 12 ngày. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 8, Mục 1, Chương II Nghị định 85/2010/NĐ-CP thì DVD sẽ phải hoàn trả tiền mà NĐT đã nộp trong đợt phát hành cộng thêm lãi suất tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Tuy nhiên, trả lại tiền chưa hẳn đã hết. Một vấn đề NĐT đang bức xúc là những thiệt hại của họ khi chấp nhận nắm giữ cổ phiếu DVD để hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành, mà số tiền này lại không nằm trong khoản tiền DN được thu về từ đợt chào bán.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ bị điều chỉnh theo nguyên tắc bảo đảm giá trị vốn hóa thị trường của DN tại cùng thời điểm. Trường hợp DVD, tại ngày 7/9/2010, giá đóng cửa cổ phiếu này là 144.000 đồng/CP. Ngày 8/9/2010 là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu mới, giá tham chiếu của DVD được điều chỉnh về mức 100.000 đồng/CP. Như vậy, dù cổ phiếu mới được mua với giá 20.000 đồng (và đây mới là số tiền DVD thu về), nhưng giá thực mà NĐT bỏ ra cho mỗi cổ phiếu vẫn là 100.000 đồng, vì đã bị khấu trừ vào thị giá cổ phiếu đang nắm giữ. Điều này có nghĩa là, nếu NĐT không thực hiện quyền mua (hoặc không được thực hiện quyền mua trong trường hợp DN bị hủy bỏ đợt phát hành), thì mỗi cổ phiếu nắm giữ trước ngày 8/9, NĐT bị thiệt 44.000 đồng. Với vốn điều lệ của DVD 119,1 tỷ đồng, số tiền bị điều chỉnh giảm tính theo vốn hóa thị trường của DN là 524,04 tỷ đồng đã biến mất. Vấn đề ở chỗ, đây là khoản tiền bị mất do sự điều chỉnh kỹ thuật, không phải là số tiền mà cổ đông đã nộp về DVD, nên không hề có trong phương án hoàn trả tiền mà DVD đã nêu ngày 29/11.

Lịch sự kiện

25/08/2010

UBCK đã cấp Giấy chứng nhận cho DVD chào bán 7,09 triệu CP, trong đó, chào bán cho cổ đông hiện hữu 6.550.500 CP và chào bán 539.500 cho cán bộ công nhân viên.

07/09/2010

UBCK có công văn tạm dừng đợt phát hành ra công chúng của DVD do Công ty đã công bố thông tin sai về Bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng trên website.

08/09/2010

HOSE thực điều chỉnh giá kỹ thuật cổ phiếu DVD từ 144.000 đồng/cp xuống mức tham chiếu mới là 100.000 đồng/CP.

10/09/2010

UBCK cho phép DVD tiếp tục thực hiện đợt chào bán cổ phiếu sau khi nhận được giải trình của Công ty.

19/11/2010

UBCK công bố quyết định số 965/QĐ-UBCK đình chỉ có thời hạn đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của DVD.

29/11/2010

DVD có thông báo nhận yêu cầu hoàn tiền mua cổ phiếu trong 12 ngày, kể từ 29/11.

 

Ai đền bù thiệt hại cho cổ đông DVD?

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới CTCK MHB, vụ đình chỉ phát hành quyền của DVD là vụ đầu tiên trên TTCK Việt Nam mà việc đình chỉ thực hiện sau ngày giao dịch không hưởng quyền. Thông thường, mọi sự đình chỉ nếu có luôn thực hiện trước khi chốt quyền trên sàn, vì nếu hủy đi làm lại thì cũng đã muộn, không thể trả lại nguyên trạng như trước khi chốt quyền. Cổ đông càng nắm giữ nhiều cổ phiếu, càng thiệt hại.

Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng đối với những thiệt hại của cổ đông DVD do đợt chào bán chứng khoán khoán bị đình chỉ như trên? Vẫn biết hơn 500 tỷ đồng bị bốc hơi trong trường hợp này là rất khó bồi hoàn, mà thực ra là không có căn cứ pháp lý nào buộc phải bồi hoàn, nhưng thiệt hại thực tế của cổ đông DVD đáng được coi là học phí đắt cho bài học về thẩm định và quản lý phát hành của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, việc cho phép điều chỉnh giá DVD khi đợt phát hành chưa đủ căn cứ pháp lý (điều chỉnh giá ngày 8/9/2010, trong khi tại thời điểm này, đợt phát hành của Dược Viễn Đông đang bị UBCK buộc tạm dừng lần thứ nhất), có lẽ sẽ chẳng bị ai truy cứu, nếu không xảy ra "trục trặc". Nhưng như hiện nay, khi đợt phát hành không thực hiện được, thiệt hại của NĐT là có thật, dư luận có lý do để trách cứ, thì sự việc này có lẽ cũng là một kinh nghiệm đáng nhớ về sự cẩn trọng cần thiết trước những động tác điều chỉnh kỹ thuật liên quan đến quyền lợi của hàng ngàn nhà đầu tư tại HOSE.

Bùi Sưởng - Quang Sơn
Bùi Sưởng - Quang Sơn

Tin cùng chuyên mục