Hơn 46 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, châu Âu lao đao

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sáng 1/11, thế giới đã ghi nhận hơn 46,3 triệu ca mắc, trong đó có 1.199.373 ca tử vong do Covid-19.

Cảnh sát và quân đội kiểm tra hành khách tại một nhà ga ở Milan, Italy. Ảnh: AP. Cảnh sát và quân đội kiểm tra hành khách tại một nhà ga ở Milan, Italy. Ảnh: AP.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 1/11, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 46.347.055 trường hợp, trong đó có 1.199.373 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 22.446.706 trường hợp.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ , Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 84.098 ca mắc vào hôm qua (31/10) nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 9.400.395. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 236.060.

Ấn Độ ghi nhận thêm 46.715 ca mắc và 468 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên đến 8.182.881 ca mắc và 122.149 ca tử vong. Quốc gia này là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở châu Á, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Nga ghi nhận thêm 18.140 ca mắc và 334 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại hơn 1,6 triệu trường hợp, trong đó hơn 27.990 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh cũng đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kinh tế.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 15.932 ca mắc và 321 ca tử vong, nâng tổng số lên 5.535.460 ca bệnh và 159.883 ca tử vong.

Tiếp đến là Colombia với hơn 1 triệu ca mắc và 31.314 ca tử vong. Peru ghi nhận 902.503 ca mắc và 34.476 ca tử vong. Mexico ghi nhận 918.811 ca mắc và 91.289 ca tử vong.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang khiến châu Âu lao đao. Những biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan đang khiến cho các nền kinh tế vốn đã mỏng manh nay càng kiệt quệ. Anh đang dẫn đầu châu Âu về số ca tử vong, tiếp đến là Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Nga.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được thực hiện vào tuần tới như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc Covid-19.

Các cửa hàng không thiết yếu, cũng như các địa điểm giải trí và thư giãn, sẽ đóng cửa đến ngày 2/12. Tuy nhiên, các trường học và các viện giáo dục khác sẽ vẫn mở.

Pháp đang trở thành tâm dịch của châu Âu và đứng thứ 5 thế giới. Nước này ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc, trong đó có 36,788 ca tử vong.

Tây Ban Nha ghi nhận tổng số hơn 1,2 triệu ca mắc, trong đó có 35.878 ca tử vong.

Anh ghi nhận 21.915 ca mắc mới và 326 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 1.011.660 và tổng số ca tử vong là 46.555.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là tâm điểm dịch bệnh. Nước này ghi nhận tổng cộng 725.452 ca mắc và 19.276 ca tử vong.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 612.772 sau khi ghi nhận thêm 7.820 trường hợp trong 24h qua.

Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 34.846 trường hợp. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã công bố những hạn chế mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tại 25 trong số 31 tỉnh của Iran trong 10 ngày. Cảnh sát nước này cho biết, các sự kiện đông người như đám cưới và hội nghị sẽ bị cấm ở thủ đô Tehran cho đến khi có thông báo mới.

Hãng thông tấn IRNA cho biết, cảnh sát Tehran cũng gia hạn thêm một tuần việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh bao gồm thẩm mỹ viện, phòng trà, rạp chiếu phim, thư viện và câu lạc bộ thể dục.

Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Khu vực này chỉ đứng sau Mỹ Latinh và hiện giờ chiếm khoảng 1/4 số ca mắc trên toàn cầu.

Các quốc gia tại châu Á, nhìn chung đã có sự cải thiện trong biện pháp xử lý đại dịch trong những tuần gần đây. Một số nơi như Ấn Độ, số ca mắc theo ngày đã chậm lại, trái ngược hẳn với làn sóng tái bùng phát Covid-19 tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, Nhật Bản cũng đang kiềm chế được số ca mắc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh tại Ấn Độ có thể tái bùng phát mạnh mẽ khi kỳ nghỉ lễ và mùa đông đang đến gần.

Khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines là những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, theo xếp hạng của Worldometers.

Là đất nước có phần đông dân số là người Hồi giáo, Indonesia đang phải gồng mình để kiểm soát dịch bệnh với 410.088 ca mắc và 13.869 ca tử vong. Trong khi đó, Philippines đứng thứ 2 với 380.729 ca mắc và 7.221 ca tử vong.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục