Hơn 292.000 người chết do nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 292.000 người chết do nCoV trong tổng số hơn 4,3 triệu ca nhiễm, nhiều nước nới lỏng hạn chế do tình hình được cải thiện.
Người đàn ông khử trùng bên trong nhà thờ Santa Maria in Trastevere Basilica ở Rome, Italy, ngày 11/5. Ảnh: Reuters. Người đàn ông khử trùng bên trong nhà thờ Santa Maria in Trastevere Basilica ở Rome, Italy, ngày 11/5. Ảnh: Reuters.

212 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận 4.335.821 ca nhiễm và 292.301 ca tử vong, tăng lần lượt 89.026 và 5.561 so với hôm qua, trong khi 1.582.901 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.

Mỹ hiện ghi nhận 1.407.928 người nhiễm nCoV, tăng 23.895 ca trong 24 giờ qua. Số người chết do nCoV ở nước này cũng tăng thêm 1.654 trường hợp lên 83.357. Số người hồi phục tại vùng dịch lớn nhất thế giới là 293.074.

Hầu hết các bang Mỹ đang mở cửa lại theo từng giai đoạn, làm dấy lên lo ngại nguy cơ lây nhiễm nCoV sẽ gia tăng.

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ tuần qua đã nâng dự báo số ca tử vong ở nước này lên gần gấp đôi do "sự bùng nổ của hoạt động đi lại ở một số bang". Mỹ báo cáo số người chết mỗi ngày cao nhất vào hôm 1/5 khi ghi nhận 2.909 ca tử vong trong vòng 24 giờ.

Hàng loạt quan chức Mỹ gồm Giám đốc CDC Robert Redfield, ủy viên FDA Stephen Hahn và cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci thông báo tự cách ly để đảm bảo không lây nhiễm nCoV sau khi phát ngôn viên của Phó tổng thống Mike Pence và một lính cần vụ Nhà Trắng dương tính với nCoV.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ khả năng lây lan virus trong Nhà Trắng, nhưng cho biết ông hạn chế tiếp xúc với Pence.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 176 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 26.920. Số ca nhiễm tăng 1.377, lên 269.520. Đây là mức tăng thấp nhất tại nước này trong vòng hai tháng qua.

Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động khi chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số.

Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại, trong khi người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với quy mô dưới 10 người.

Nga ghi nhận 10.899 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 232.243, trong đó 2.116 người đã tử vong. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp Nga tăng trên 10.000 ca, trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới về số ca nhiễm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/5 xác nhận ông dương tính với nCoV và đang được điều trị tại bệnh viện.

Peskov cho biết lần cuối ông tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin là hơn một tháng trước. Phần lớn thời gian qua Putin làm việc tại dinh thự ở vùng Moskva thông qua video và chỉ tổ chức vài cuộc họp trực tiếp với các quan chức.

Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng dương tính với nCoV và hầu như tạm ngừng mọi công việc.

Tổng thống Putin hôm 10/5 tuyên bố Nga đã thành công trong việc kiềm chế virus lây lan, đồng thời quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế trên toàn quốc, bắt đầu kết thúc thời gian cho người dân nghỉ làm có lương.

Putin cho rằng việc bình thường hóa nền kinh tế là "lợi ích của tất cả" và lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng nên được khởi động lại đầu tiên. Ông cũng yêu cầu toàn dân tuân thủ "các yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt" khi đi làm trở lại và tiếp tục đình chỉ những sự kiện lớn.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Anh lần lượt là 226.463 v 32.692 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.403 và 627 ca. Anh là vùng dịch thứ 4 thế giới và là nước ghi nhận số người chết cao nhất châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/5 công bố kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn sau hơn 6 tuần sống dưới lệnh phong tỏa. Bắt đầu từ tuần này, chính phủ Anh sẽ "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.

Người dân cũng được phép tập thể dục ngoài trời không giới hạn từ ngày 13/5. Họ có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

Italy ghi nhận thêm 1.402 ca nhiễm và 172 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 221.216 và 30.911.

Italy dần nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba để ngăn Covid-19. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang.

Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.

Pháp xác nhận thêm 802 ca nhiễm và 348 ca tử vong, tăng mạnh so với những ngày trước đó, nâng tổng số lên lần lượt 178.225 và 26.991. Pháp hôm 10/5 ghi nhận ca tử vong thấp nhất từ ngày 17/3 với chỉ 70 trường hợp.

Pháp nới lệnh phong tỏa toàn quốc đã kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Hàng trăm người đổ về các bờ sông và kênh chính ở Paris để tận hưởng ngày mùa xuân đầy nắng.

Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castaner không hài lòng, chỉ trích "hành vi vô trách nhiệm" và ra lệnh cho chính quyền thủ đô cấm rượu ở những khu vực đó.

Quan chức phụ trách việc nới lỏng hạn chế Jean Castex cảnh báo lệnh phong tỏa có thể được tái áp đặt nếu số ca nhiễm tăng trở lại.

Đức ghi nhận thêm 595 ca nhiễm, nâng tổng số lên 173.171, trong đó 7.738 người chết, tăng 77 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.

Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách.

Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp cũng dần tái mở cửa.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 177.589 ca nhiễm và 12.400 ca tử vong, tăng lần lượt 8.446 và 775 trường hợp.

Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố, khi nhiều trường hợp nhiễm nCoV không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm còn hạn chế.

Tòa án Tối cao Brazil mới đây ra phán quyết rằng chính quyền bang và địa phương có quyền tự xác định các biện pháp hạn chế xã hội cần thiết để ngăn Covid-19. Phán quyết này đi ngược lại mong muốn của Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn thúc đẩy các bang dỡ bỏ lệnh hạn chế.

Mexico báo cáo 36.327 ca nhiễm và 3.573 ca tử vong, tăng lần lượt 1.305 và 108. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.481 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong cả nước lên lần lượt 110.767 và 6.733.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.911 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 42.925 và 264.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 783 ca nhiễm mới và thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 19.661 và 203.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, hôm 11/5 báo cáo cụm dịch mới là một khu dân cư trong thành phố. Giới chức thành phố đã ra chỉ thị xét nghiệm nCoV cho 14 triệu dân trong vòng 10 ngày sau khi thành phố ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng mới.

Trung Quốc cũng đã phong tỏa thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, sau khi địa phương này liên tục ghi nhận ca nhiễm mới.

Tại Hàn Quốc, cụm dịch liên quan đến các hộp đêm, quán bar ở Itaewon, thủ đô Seoul, hiện là mối quan tâm hàng đầu của giới chức y tế.

Nhà chức trách đã xét nghiệm cho 4.000 người từng đến các tụ điểm giải trí trên và đang cố truy vết khoảng 3.000 người khác. Chính quyền thành phố tiếp tục kêu gọi những người từng đến các hộp đêm và quán bar ở Itaewon trong hai tuần qua nên đi xét nghiệm.

Các nước Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.650 người nhiễm và 42 người chết do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 61.303 và 1.951.

Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực, trong khi Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục