Hơn 24.000 tiến sỹ, nhưng máy móc, thiết bị hữu dụng cho sản xuất đều do nông dân sáng chế

Chất lượng tăng trưởng thấp, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016, khiến ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khá lo lắng trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.     
Ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trong khi tốc độ đổi mới công nghệ trên thế giới diễn ra từng ngày, từng giờ, còn Việt Nam hiện vẫn sử dụng công nghệ khá thấp. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Trước hết, phải hiểu công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh, nên Chính phủ đặt ra mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp đạt bình quân 10%/năm, đây là mức rất thấp so với thế giới vì như vậy sau 10 năm chúng ta mới thay đổi được toàn bộ công nghệ hiện có.

Mục tiêu đặt ra khiêm tốn như vậy, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực then chốt đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại như các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ thông qua nhập khẩu máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

Phát triển Khoa học - công nghệ (KHCN) được coi là quốc sách, hàng năm ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này 2% tổng chi và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 rồi, thưa ông?

Năm nào, Quốc hội cũng dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực KHCN, nhưng hầu như không năm nào chi hết, số tiền chi cho lĩnh vực này cũng chủ yếu là chi thường xuyên, còn chi đầu tư thiết bị máy móc, nghiên cứu, thử nghiệm rất ít.

"Hầu hết các đề tài nghiên cứu, công trình nghiên cứu sau khi bảo vệ, thanh quyết toán cũng chỉ để ngăn kéo".

Hầu hết các đề tài nghiên cứu, công trình nghiên cứu sau khi bảo vệ, thanh quyết toán cũng chỉ để ngăn kéo. Dư luận luôn đau đáu với câu hỏi cả nước có hơn 24.000 tiến sỹ nhưng rất ít công trình nghiên cứu của họ được ứng dụng trong thực tế, trong khi đó, những máy móc, thiết bị hữu dụng cho sản xuất đều do người nông dân sáng chế ra.

Từ năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN với mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 có ít nhất 3.000 doanh nghiệp KHCN, 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Kết quả đạt được thì sao? Đến nay cả nước mới có 6 tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và 240 doanh nghiệp KHCN.

Ông đã hỏi Bộ Khoa học - Công nghệ vì sao lại không hoàn thành mục tiêu phát triển KHCN chưa?

Tôi đã hỏi Bộ Khoa học - Công nghệ về vấn đề này và được trả lời là hiện có hơn 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập nữa đã đạt tiêu chuẩn là doanh nghiệp KHCN nhưng chưa chuyển đổi. Khi chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ về tài chính, tổ chức, biên chế, bộ máy và được sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu.

"Dư luận luôn đau đáu với câu hỏi cả nước có hơn 24.000 tiến sỹ nhưng rất ít công trình nghiên cứu của họ được ứng dụng trong thực tế, trong khi đó, những máy móc, thiết bị hữu dụng cho sản xuất đều do người nông dân sáng chế ra".

Ngoài các hoạt động này, doanh nghiệp KHCN có thể thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá khác và thực hiện các dịch vụ khác. Chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN, đơn vị sự nghiệp công có rất nhiều quyền lợi, đặc biệt là được tự chủ, nhưng họ không muốn chuyển đổi, vẫn muốn dựa dẫm vào ngân sách nhà nước, vẫn muốn được bao cấp cả đầu ra lẫn đầu vào.

Hy vọng tình trạng dựa dẫm sẽ chấm dứt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập thay thế cho Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP.

Khoảng 97,7% doanh nghiệp nội địa là nhỏ và vừa, vốn liếng quá ít nên rất khó phát triển KHCN. Thưa ông, tại sao không tận dụng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng sau 30 năm qua, doanh nghiệp nước ngoài hầu như không chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Họ đầu tư vào Việt Nam chỉ giải quyết được công ăn, việc làm cho người lao động và một phần tiền thuế, họ không chuyển giao công nghệ, nên khi không đầu tư nữa thì họ cũng đem công nghệ đi.

Các công ty tuyên bố đã nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm, nhưng thực tế, doanh nghiệp trong nước cung cấp thiết bị, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác cung cấp vì doanh nghiệp trong nước không có công nghệ.

Nếu không giải quyết được bài toán chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp Việt Nam, thì hết đời công nghệ họ chuyển sang công nghệ mới hoặc không đầu tư tại Việt Nam nữa thì mình trở thành bãi rác. Tôi rất lo ngại vấn đề này.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận vào cuối kỳ họp này liệu có đặt ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam? 

Nhiều nước quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có lộ trình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sở tại. Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng, cần phải quy định lộ trình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để khuyến khích chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, Luật Chuyển giao công nghệ khuyến khích phát triển thị trường công nghệ. Theo đó, thay vì chuyển giao bắt buộc, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể bán công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục