Số liệu của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho thấy, tại châu Á, nơi chiếm một nửa dân số thế giới, nhiều quốc gia có tỷ lệ người dân mắc bệnh cao huyết áp khá cao, điển hình như Mông Cổ 31%, Nepal 27%, Ấn Độ 25%, Campuchia 24%, Indonesia gần 24% và Việt Nam là 23,4%.
Theo Tạp chí y khoa The Lancet, hiện nay, trên thế giới cứ 4 người lớn lại có 1 người bị cao huyết áp và dự báo tới năm 2025 sẽ có thêm 1,5 tỷ người bị mắc bệnh này. International Society for Hypertension (Hội Tăng huyết áp Quốc tế) cho biết, chỉ khoảng 50% số người bị tăng huyết áp nhận thức được tình trạng của mình.
Nhân dịp Ngày Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới (World Hypertension Day) 17/5, Manulife và Hiệp hội Tim mạch Thế giới cũng chia sẻ một số giải pháp giảm huyết áp hiệu quả như cố gắng dành ít nhất 30 phút vận động mức độ vừa phải, 5 lần mỗi tuần.
Đi bộ, khiêu vũ, bơi lội, làm việc nhà hoặc chơi thể thao, bất cứ hoạt động nào cũng tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, điều chỉnh chế độ ăn uống như giảm lượng đường, muối, chất béo và thực phẩm chế biến sẵn; ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày.
Nếu có uống rượu bia, cần kiểm soát chặt chẽ để giảm bớt lượng đồ uống có cồn; không hút thuốc (không hút thuốc lá là một trong những việc tốt nhất để cải thiện sức khoẻ tim mạch); kiểm soát cân nặng, bởi tình trạng béo phì hoặc dư cân cũng góp phần tăng nguy cơ bị cao huyết áp….