Hơn 227.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 227.000 người chết vì nCoV trong gần 3,2 triệu ca nhiễm, một số nước báo cáo số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh.
Một điểm xét nghiệm lưu động tại bang Iowa, Mỹ, hôm 30/4. Ảnh: Reuters. Một điểm xét nghiệm lưu động tại bang Iowa, Mỹ, hôm 30/4. Ảnh: Reuters.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.187.919 ca nhiễm và 227.177 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.189 và 10.320 ca so với hôm qua. Hơn 997.000 người đã hồi phục.

Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 1.037.526 ca nhiễm, trong đó 60.846 người đã tử vong, tăng lần lượt 25.926 và 2.503 ca.

Đến nay, Mỹ đã thực hiện hơn 6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.

Đại học Harvard công bố một nghiên cứu khuyến nghị Mỹ cần tiến hành ít nhất 5 triệu xét nghiệm nCoV/ngày vào tháng 6 để có thể sớm mở cửa trở lại kinh tế, trong khi mức xét nghiệm một ngày ở Mỹ hôm 22/4 là 314.182.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/4 ký sắc lệnh dựa trên Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động do lo ngại về tình trạng thiếu thực phẩm và nguồn cung ứng bị gián đoạn.

Tây Ban Nha báo cáo số người nhiễm do nCoV tăng lên 236.899 sau khi ghi nhận thêm 4.771 trường hợp.

Số người chết tăng thêm 453 trường hợp lên 24.275. Số người nhiễm và ca tử vong mới đều tiếp tục tăng chỉ vài ngày sau khi ghi nhận mức thấp nhất trong 5 tuần và chính phủ nới lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 và tuần này bắt đầu cho phép trẻ em dưới 14 tuổi ra ngoài mỗi ngày một giờ. Tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới.

Italy ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm và 323 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 203.591 và 27.682, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.

Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5 khi ca nhiễm và ca tử vong liên tục giảm.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 630 ca nhiễm và 461 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 166.541 và 24.121.

Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.

Anh phát hiện thêm 5.296 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 166.441. Nước này ghi nhận 26.097 ca tử vong, tăng 4.419 trường hợp so với một ngày trước, tương đương 17%, sau khi đưa số người chết trong viện dưỡng lão và những nơi khác vào thống kê.

Anh trước đó chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.

Đức báo cáo thêm 1.462 ca nhiễm và 125 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.197 và 6.405.

Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.   

Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

Nga báo cáo thêm 5.841 ca nhiễm và 105 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên lần lượt 99.399 và 972, hiện là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov nói Covid-19 gây ra khủng hoảng và thách thức chưa từng có cho Nga, khiến giới chức nước này phải điều chỉnh biện pháp đối phó hàng ngày, thậm chí hàng giờ.

Các địa phương đang phối hợp với chính phủ để xây dựng biện pháp đối phó khủng hoảng và khắc phục hậu quả.  

Tại châu Mỹ Latin, Brazil ghi nhận thêm 6.276 ca nhiễm và 359 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 78.162 và 5.466.

Theo Bộ Y tế Brazil, số người chết có thể cao hơn con số chính thức, trong khi các chuyên gia tin rằng ca nhiễm ở nước này có thể cao hơn 12-15 lần số liệu hiện tại do lượng lớn các trường hợp không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế.

Tổng thống Jair Bolsonaro thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt để làm chậm sự lây lan của Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế.

Bolsonaro cũng gây tranh cãi khi cho rằng Covid-19 chỉ như cúm thường và khiến người dân bất mãn với cách ứng phó dịch bệnh của chính quyền ông.

Mexico báo cáo 16.752 ca nhiễm và 1.569 ca tử vong, tăng lần lượt 1.223 và 135 ca. Chính phủ nước này cho biết số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.

Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.325 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 21.402 và 157.

Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn được giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7.

Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được cho phép hoạt động trở lại.

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 549 ca nhiễm mới và thêm 9 trường hợp tử vong. Nước này đến nay ghi nhận 11.929 ca nhiễm và 98 ca tử vong.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 93.657 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 80 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 16 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 5.957.

Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh.

Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước.

Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.

Trung Quốc chưa công bố số liệu.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ báo cáo 1.702 ca nhiễm mới và 69 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 31.360 33.062 và 1.079. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ kéo dài đến ngày 3/5.

Dù số người chết vì nCoV tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này lại rất hạn chế.

Do đó, sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, với trung bình 1.500 trường hợp mỗi ngày trong tuần qua, có thể khiến các bệnh viện công rơi vào tình trạng quá tải.

Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng.

Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.

Đông Nam Á ghi nhận 43.239 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.517 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 15.641 ca nhiễm và 14 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 9.771 ca nhiễm và 784 ca tử vong, trong khi Philippines là vùng dịch lớn thứ ba.

Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục