Hơn 21 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 21 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 752.000 người chết, WHO kêu gọi các nước kiểm soát lây nhiễm cộng đồng để ngăn Covid-19.
Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Tây Java, Indonesia, hôm 14/8. Ảnh: AFP. Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Tây Java, Indonesia, hôm 14/8. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 21.050.368 ca nhiễm và 752.330 ca tử vong do nCoV, trong khi 13.893.539 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.409.887 ca nhiễm và 170.225 người chết, tăng lần lượt 55.049 và 1.269 ca so với một ngày trước đó. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins nhận định vaccine do nước này phát triển khó có thể được cấp phép trước tháng 11.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ, đồng thời thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có triệu chứng nặng, nhưng nguyên cứu mới cho thấy nhóm này vẫn có khả năng lây truyền virus.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 105.463 sau khi ghi nhận thêm 1.201 trường hợp.

Ca nhiễm tại nước này tăng 54.402 trong 24 giờ qua, lên 3.224.876. Cuối tuần qua, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 người chết.

Với hơn 14.000 người chết, bang Rio là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai của đại dịch ở Brazil, sau Sao Paulo. Bất chấp tình hình nghiêm trọng, đám đông vẫn đổ tới những bãi biển nổi tiếng trong thành phố để tắm nắng hay chơi bóng trên cát.

Nhằm ngăn nCoV lây lan, Thị trưởng Rio de Janeiro Marcelo Crivella tuyên bố những người tới bãi biển phải giãn cách xã hội và đặt chỗ trước trên bãi cát thông qua ứng dụng, dù biện pháp này được cho là sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và cũng là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo 498.380 ca nhiễm và 54.666 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.858 và 737 trường hợp.

Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell bày tỏ lạc quan rằng khả năng kiểm soát đại dịch đã tốt hơn, bất chấp những con số vẫn gia tăng, .

"Đại dịch vẫn tồn tại, nhưng nó bắt đầu chậm lại hồi tháng 7", ông nói. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chính phủ Mexico mắc nhiều sai lầm khi xử lý khủng hoảng.

Chile ghi nhận 380.034 ca nhiễm và 10.299 ca tử vong, tăng lần lượt 1.866 và 94 trường hợp so với hôm trước. Chính quyền bắt đầu tái mở cửa thủ đô Santiago bằng cách gỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam cách đây hai tuần, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng với khu vực trung tâm đông dân, nơi đã bị phong tỏa 144 ngày.

Chile dự kiến gỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ ngày 17/8. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở nhà bất cứ khi nào có thể, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay.

Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 572.865 ca nhiễm và 11.270 ca tử vong, tăng lần lượt 3.946 và 260 ca.

Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt, dù chưa rõ đỉnh dịch đã qua hay chưa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.384. Số ca nhiễm tăng thêm 5.057, lên 907.758. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 hôm 11/8, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko nói lô vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng trong hai tuần tới.

Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, Nga nói hoài nghi về vaccine này là "vô căn cứ".

Tây Ban Nha ghi nhận 379.799 ca nhiễm, tăng 2.935 trường hợp trong khi ca tử vong tăng thêm 26 lên 28.605. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Hôm 7/8, giới chức áp lệnh phong tỏa thị trấn Aranda de Duero, cách thủ đô Madrid khoảng 150 km về phía bắc, bao gồm khoảng 32.000 dân nhằm ngăn nCoV lây lan.

Một số khu vực khác của Tây Ban Nha cũng phong tỏa một phần, bao gồm xứ Basque và các vùng Catalonia, Aragon. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này khẳng định làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ không xảy ra.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 174 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 19.162. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.625, lên tổng cộng 336.324 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.

Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.482 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 294.519 và 3.303 ca. Hải quan Arab Saudi đang triển khai chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt để xác định hành khách nhiễm nCoV sau khi nước này nối lại đường bay quốc tế.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 64.142 ca nhiễm và 1.006 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.459.613 và 48.144.

Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch. Nhiều chính trị gia Ấn Độ gần đây bị nhiễm nCoV, trong đó có cựu tổng thống Pranab Mukherjee, người đang phải thở máy sau khi phẫu thuật.

Trung Quốc chưa thông báo số liệu mới.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 147.526 ca nhiễm và 2.426 ca tử vong, tăng lần lượt 4.002 và 22 ca trong 93 giờ qua.

Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan tái áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 132.816 ca nhiễm, tăng 2.098 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.968 người chết, tăng 65 ca.

Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy.

Các trung tâm mua sắm cũng được mở cửa trở lại từ giữa tháng 6. Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, đang lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể từ ngày 11/9.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.497 người nhiễm, tăng 102 ca so với 24 giờ trước, trong khi số người chết vẫn là 27. Nước này tuần trước hoàn thành xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 13/8 khẳng định ngăn chặn các ổ dịch lây lan trong cộng đồng là chìa khóa để đối phó Covid-19. "Một phần rất nhỏ dân số thế giới đã nhiễm nCoV và nó sẽ gây rất nhiều thiệt hại nếu không được kiểm soát", ông nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục