Hơn 16.400 người chết vì nCoV toàn cầu

Số người chết do nCoV vẫn tăng nhanh ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên hơn 16.400 trong số hơn 378.000 người nhiễm.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực tại một bệnh viện ở Milan hôm 23/3. Ảnh: AFP. Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực tại một bệnh viện ở Milan hôm 23/3. Ảnh: AFP.

Covid-19 xuất hiện ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ là những nước có số ca tử vong trong một ngày cao nhất.

Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 63.927 ca nhiễm và 6.077 người chết, tăng lần lượt 4.789 và 601 ca.

Tỷ lệ tử vong ở nước này khoảng 9,5%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Italy đặc biệt cao.

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 35.136 ca nhiễm, 2.311 người chết, tăng lần lượt 6.368 và 539 trường hợp so với một ngày trước đó. Chính phủ Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày, bắt đầu từ 14/3.

Khoảng 46 triệu người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài để đi làm, mua thức ăn, đến hiệu thuốc, bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.

Đức ghi nhận thêm 4.183 ca nhiễm và 29 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 29.056 và 123. Dù là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ khoảng 0,42%.

Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, thông báo kết quả xét nghiệm lần một cho thấy bà Merkel âm tính với nCoV sau khi tiếp xúc một bác sĩ nhiễm bệnh.

Châu Âu hiện báo cáo hơn 10.000 người chết vì nCoV, chiếm khoảng 62% số ca tử vong toàn cầu.

Tại M, thêm 9.883 ca nhiễm mới được xác định, nâng số người mắc Covid-19 trên cả nước lên 43.449, trong đó 545 người chết, tăng 132 trường hợp so với một ngày trước đó.

Sự chậm trễ của chiến dịch sàng lọc Covid-19 nói chung và tình trạng thiếu trạm xét nghiệm không dừng nói riêng khiến giới chức y tế công cộng gặp nhiều khó khăn trong theo dõi tốc độ lây lan và kiểm soát dịch. 

Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 23.049 ca nhiễm và 1.812 ca tử vong.

Đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao, một phần nguyên nhân do hệ thống y tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu trong ngày hôm qua.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đang là vùng dịch lớn nhất với 1.518 người nhiễm và 14 người chết. Indonesia là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực với 49 người chết trong 579 người nhiễm.

Tổng cộng, thế giới ghi nhận thêm gần 1.900 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu, đưa số người chết vì nCoV lên 16.490.

Trong khi đó, 101.584 người, tức 26,8% số ca nhiễm, đã hồi phục. Quần đảo Turks và Caicos, Belize và Myanmar là những nước và vùng lãnh thổ mới xuất hiện dịch.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục