Năm 2012 là năm đầu tiên các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thực hiện lập BCTN theo mẫu quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC (TT52) ngày 5/4/2012 của Bộ Tài chính. So với Thông tư 09/2010/TT-BTC, TT52 quy định bố cục BCTN rõ ràng hơn với nhiều thông tin chi tiết hơn. Các DNNY đã có ý thức tuân thủ tương đối tốt quy định mới, vì vậy, nhìn chung chất lượng BCTN cũng có sự tiến bộ hơn, mặc dù không có nhiều BCTN nổi trội về nội dung và hình thức so với các năm trước.
Về cơ bản, các DNNY đã chú trọng hơn đến nội dung về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh và tình hình tài chính. Số liệu thống kê, chỉ tiêu tài chính được cung cấp đầy đủ kèm theo số liệu so sánh qua các năm, được minh họa bằng bảng, biểu, đồ thị. Các thông tin về quản trị công ty cũng có sự cải thiện, nhất là ở các nội dung như sơ yếu lý lịch của thành viên HĐQT, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, hoạt động của HĐQT, BKS, chế độ thù lao của các thành viên HĐQT, BKS, BGĐ.
Đánh giá đúng và phân tích kỹ những rủi ro, từ đó lên kế hoạch hành động là một điểm cộng trong các BCTN
Tuy vậy, phần lớn BCTN mới chỉ dừng lại ở việc tuân thủ theo quy định, chưa “thổi được hồn” vào báo cáo. BCTN của nhiều doanh nghiệp còn sơ sài, chưa có sự kết nối giữa các nội dung để toát lên được thông điệp xuyên suốt mà ban lãnh đạo công ty muốn gửi đến cổ đông. Điểm lại các vấn đề cần hoàn thiện, chúng tôi muốn lưu ý về một số vấn đề sau:
Về rủi ro, đây là một trong những điểm mới quy định tại TT52. Tuy nhiên, theo thống kê của HNX, khoảng 17% báo cáo đề cập đến các rủi ro trong đó có các rủi ro đặc thù; 45% báo cáo đề cập sơ sài hoặc chung chung, 38% còn lại không đề cập. Trong các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động, đa số báo cáo không đưa ra các biện pháp kiểm soát, hạn chế rủi ro mà chủ yếu chỉ tập trung vào các giải pháp cải tiến về cơ cấu tổ chức như cơ cấu lại, tinh giản bộ máy nhân sự, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng vấn đề này, trong khi đây là một trong các nội dung mà các nhà đầu tư xem trọng.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, phần lớn các báo cáo đã có so sánh kết quả đạt được trong năm với các chỉ tiêu kế hoạch và của năm liền trước. Tuy nhiên, rất ít báo cáo có các phân tích cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc không đạt/đạt/vượt các chỉ tiêu so với kế hoạch và tăng trưởng/giảm sút so với năm liền trước liên quan đến thay đổi, biến động lớn về chiến lược kinh doanh, chi phí đầu vào/đầu ra, thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp… Các thông tin liên quan đến tình hình đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết cũng rất hạn chế, thậm chí có những báo cáo hoàn toàn không đề cập đến, trong khi đây là các dữ liệu khá quan trọng hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xem xét khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nhìn nhận và đánh giá trách nhiệm của ban lãnh đạo đối với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa cụ thể, sâu sát. Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút và không đạt được kế hoạch trong năm 2012, tuy nhiên, chỉ có 24% đề cập đến nguyên nhân và trách nhiệm của BGĐ đối với việc không hoàn thành kế hoạch. Đánh giá của HĐQT đối với hoạt động của BGĐ thường chung chung, đa phần là tốt mà không nêu những điểm cần lưu ý khắc phục.
Về quản trị công ty, mặc dù nội dung này cũng đã có sự cải thiện nhất định, song những thông tin về hợp đồng hoặc giao dịch với cổ đông nội bộ đã được ký kết hoặc đã được thực hiện trong năm với công ty, các công ty con, các công ty mà công ty nắm quyền kiểm soát của thành viên HĐQT, BKS, BGĐ và những người liên quan chưa được nhiều báo cáo đề cập. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại TT52 là quy định các BCTN phải nêu rõ những nội dung chưa thực hiện được theo quy định của pháp luật về quản trị công ty cùng với nguyên nhân, giải pháp và kế hoạch khắc phục, kế hoạch tăng cường hiệu quả. Đây cũng là quy định mà các nước có nền quản trị công ty tốt đã áp dụng nhiều năm nay đối với báo cáo quản trị hàng năm, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thông lệ quản trị tốt tại các DNNY. Tuy nhiên, phần lớn BCTN bỏ qua điểm này, một số báo cáo nếu có thì nội dung chỉ vẻn vẹn “đã tuân thủ các quy định về quản trị công ty”.
BCTN không chỉ là một báo cáo hay một ấn phẩm đẹp của doanh nghiệp mà còn là sản phẩm thể hiện mức độ chuyên nghiệp, minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp. Mỗi bước tiến về chất lượng của BCTN đều là những đóng góp hết sức thiết thực vào việc xây dựng TTCK phát triển, công khai, minh bạch. Chúng tôi mong rằng, những tổng kết và đánh giá nêu trên sẽ hữu ích với các doanh nghiệp trên bước đường hoàn thiện BCTN.