213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 12.601.789 ca nhiễm và 561.708 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 232.590 và 5.346 trong 24 giờ qua, trong khi 7.315.876 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.283.121 ca nhiễm trong khi 136.520 người đã tử vong, tăng lần lượt 63.122 và 698 ca trong 24 giờ qua. Hàng chục bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng.
Ông cho rằng số ca nhiễm ở Mỹ chưa bao giờ giảm tới "đường cơ sở" hợp lý trước khi bùng nổ như hiện nay, khiến các quan chức y tế cảnh báo về nguy cơ các bệnh viện ở miền nam và miền tây nước Mỹ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải.
New York vẫn là bang ghi nhận ca nhiễm lớn nhất với gần 426.000 ca, California báo cáo gần 309.000 ca, trong khi ca nhiễm tại Texas, Florida cũng đã vượt 240.000.
Atlanta hồi cuối tháng 5 chuyển sang giai đoạn tái mở cửa hai khi nới lỏng hạn chế. Thị trưởng Atlanta hôm 10/7 thông báo thành phố quay trở lại giai đoạn một, tức là yêu cầu tất cả người dân ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài vì mục đích thiết yếu. California sẽ thả 8.000 tù nhân trước cuối tháng 8 để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 41.724 ca nhiễm và 1.144 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.800.827 và 70.398. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế ở Brazil có thể cao hơn nhiều.
Dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện, các thành phố lớn vẫn mở cửa trở lại. Từ ngày 2/7, các quán bar trong Rio de Janeiro được phép hoạt động, ít người đeo khẩu trang.
Sao Paulo, thành phố lớn nhất và chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, cũng cho phép quán bar, nhà hàng, thẩm mỹ viện mở lại từ 6/7. Các cơ sở có thể mở cửa 6 giờ mỗi ngày với sức chứa không quá 40% và thực hiện các biện pháp vệ sinh, sử dụng menu điện tử.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 7/7 thông báo ông đã dương tính với nCoV. Lãnh đạo 65 tuổi nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của nCoV, cho rằng Covid-19 không khác gì "cúm vặt". Văn phòng báo chí của Tổng thống ngày 9/7 nói ông ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
Các nước Mỹ Latinh khác cũng nằm trong top các vùng dịch lớn nhất. Peru ghi nhận thêm 3.198 ca nhiễm và 186 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 319.646 và 11.500, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới.
Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng ba nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5.
Từ 1/7, 96% hoạt động sản xuất, bao gồm khai mỏ, các ngành công nghiệp và thương mại được nối lại nhưng phải tuân thủ các quy định y tế về chống dịch. Các nhà hàng và cửa hàng sẽ mở cửa trở lại nhưng tiếp đón lượng khách hàng hạn chế.
Chile xếp thứ sáu thế giới với 309.274 ca nhiễm và 6.781 ca tử vong, tăng lần lượt 3.058 và 99 so với hôm trước. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.
Mexico là vùng dịch lớn thứ chín thế giới với 282.283 ca nhiễm và 33.526 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 7.280 và 730 ca.
Thủ đô Mexico City là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nhưng chính quyền thành phố bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7.
Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.017. Số ca nhiễm tăng 6.635, lên 713.936, đánh dấu ngày thứ 15 liên tiếp ca hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.
Một số hạn chế, bao gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, duy trì đến tháng 8. Nhưng nhiều biện pháp đã được nới lỏng.
Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.
Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova ngày 10/7 đề xuất Nga nối lại các chuyến bay quốc tế đến và đi từ đất nước từ 15/7. Golikova cho biết người nước ngoài đến Nga sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV-19 được thực hiện trong ba ngày trước khi họ nhập cảnh.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 852 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.136 và 28.401. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.
Trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng nhỏ, tiệm làm tóc và thẩm mỹ viện được phép phục vụ số lượng khách hạn chế, có thời gian phục vụ đặc biệt cho người cao tuổi. Quán bar được phép hoạt động trở lại với 1/3 công suất.
Chính quyền Tây Ban Nha tháng trước yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ở những nơi không thể duy trì khoảng cách 1,5 m cho đến khi tìm thấy thuốc chữa Covid-19 hoặc vaccine.
Vùng tự trị Catalonia và quần đảo Balearic, hai nơi thu hút du khách hàng đầu của đất nước, ra quy định người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, bất kể trường hợp nào.
Anh báo cáo thêm 512 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 288.133 và 44.650. Tình hình dịch bệnh tại Anh đã bớt nghiêm trọng trong những tuần gần đây, Thủ tướng Boris Johnson đang dần rút lại những lệnh hạn chế toàn quốc nhằm vực dậy nền kinh tế.
Người nhập cảnh vào Anh từ hơn 50 quốc gia, chủ yếu là châu Âu, Australia và New Zealand, không phải tự cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Mỹ, Trung Quốc không nằm trong danh sách.
Vào tháng 8, Anh sẽ phát phiếu giảm giá cho người dân với tổng giá trị 625 triệu USD để khuyến khích công chúng đến các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Phiếu giảm giá này không thể dùng để mua rượu.
Italy ghi nhận thêm 276 ca nhiễm 12 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 242.639 và 34.938. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, người dân được tự do di chuyển khắp đất nước.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 10/7 thông báo nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.
Đức báo cáo thêm 390 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 170.752, trong khi số ca tử vong tăng 5, lên 9.130.
Hầu hết cửa hàng trên cả nước đã mở lại, một số bang chỉ cho phép cửa hàng từ 800 m2 trở lên hoạt động. Trường học, nhà hàng, quán bar tại một số khu vực cũng nối lại hoạt động.
Bang Saxony ở miền đông đất nước sẽ cho phép mở các hội chợ từ 18/7 và cho phép tổ chức sự kiện hơn 1.000 người từ 1/9.
Liên minh châu Âu từ 1/7 mở biên với người từ 14 quốc gia, không bao gồm Nga, Brazil hay Mỹ. Một số quốc gia dỡ lệnh phong tỏa sớm đang chứng kiến ca nhiễm tăng trở lại.
Bulgaria cấm người hâm mộ thể thao tới các sân vận động, quán bar và câu lạc bộ đều đóng cửa. Serbia tuyên bố sẽ khôi phục lệnh giới nghiêm vào cuối tuần, dẫn đến hai đêm biểu tình bạo lực.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.262 ca nhiễm, nâng tổng số lên 252.720, trong đó 12.447 người chết, tăng 142 ca so với hôm qua. Toàn bộ cửa hàng, quán bar, nhà hàng, phương tiện công cộng ở Iran đã mở cửa, tuy nhiên, trường học tại một số khu vực chưa hoạt động trở lại.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 4/7 công bố các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn virus. Theo đó, người dân không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối cung cấp các dịch vụ công và nơi làm việc không tuân thủ các quy trình y tế sẽ phải nhận hình phạt đóng cửa một tuần.
Arab Saudi ghi nhận thêm 3.159 ca nhiễm và 51 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 226.486 và 2.151. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 27.728 ca nhiễm và 521 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 822.570 và 22.144. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ca nhiễm tăng nhanh buộc Ấn Độ phải chuyển đổi khách sạn, trung tâm tiệc cưới, địa điểm thờ phụng, thậm chí toa tàu thành nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Các nhà phê bình chỉ trích chính phủ không thực hiện đủ xét nghiệm, khiến nhiều ca nhiễm có khả năng không được chẩn đoán.
Các ổ dịch mới đã khiến một số thị trấn công nghiệp và bang lớn phải phong tỏa cục bộ. Lệnh giới nghiêm từ 13/7 đến 23/7 được áp đặt tại Aurangabad, thị trấn công nghiệp ở Maharashtra, để ngăn sự gia tăng ca nhiễm đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà sản xuất ôtô tại vùng này.
Tại Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala ở miền nam đất nước, cư dân được phép ra ngoài để mua các mặt hàng thiết yếu từ 7h đến 11h. Mỗi khu phố chỉ được cho phép một cửa hàng mở cửa.
Trung Quốc chưa công bố số liệu mới.
Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7. Tất cả những người sống trong khu vực được coi là "nguy cơ thấp" có thể rời Bắc Kinh mà không cần kết quả xét nghiệm nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 72.347 ca nhiễm, tăng 1.611 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.469 người chết, tăng 52 ca.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người không đeo khẩu trang khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa.
Một cụm dịch mới đáng chú ý xuất hiện tại trung tâm huấn luyện quân sự ở tỉnh Tây Java khi hơn 1.200 học viên và sĩ quan huấn luyện dương tính với virus.
Trường học phải tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, báo cáo thêm 1.160 ca nhiễm, nâng số ca nhiễm lên lần lượt 52.914, trong khi ca tử vong vẫn là 1.360.
Theo Bộ Y tế Philippines, mức tăng đáng chú ý này có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp, hạn chế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, với 45.614 ca nhiễm, tăng 191 ca, trong đó 26 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
WHO ngày 10/7 thúc giục các nước tiếp tục có biện pháp mạnh tay để chống dịch. "Chỉ những hành động quyết liệt kết hợp với đoàn kết dân tộc và đoàn kết toàn cầu mới có thể xoay chuyển được đại dịch này", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.