Hơn 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc

Con số 10.266 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn rất lớn và đặc biệt lớn do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra sáng nay, 14/10 tại hội thảo "Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững" khiến nhiều người giật mình vì nguy cơ tiềm ẩn với con người.
Các biện pháp gia cố công trình từ đầu được đánh giá sẽ giảm thiểu thiệt hại từ sạt lở đất nhưng kinh phí đang là rào cản Các biện pháp gia cố công trình từ đầu được đánh giá sẽ giảm thiểu thiệt hại từ sạt lở đất nhưng kinh phí đang là rào cản

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2000 -2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế  ước tính trên 3300 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Tiến, Viện Khoa học công nghệ và Giao thông Vận tải (ITST) khẳng định: “Thống kê trên có thể chỉ sơ bộ và trên thực tế những thiệt hại về người và của có khi còn nhiều hơn. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người”.

Nguyên nhân sạt lở đất theo TS. Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa công trình, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đến từ sự can thiệp của con người là chính.

“Khu vực miền núi được biết đến là nơi khó tạo quỹ đất để xây dựng. Do đó, việc đào sườn núi là khó tránh khỏi. Điều này lại gây nguy cơ lớn cho những vùng địa chất không ổn định”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, ở những quốc gia có điều kiện, trước khi xây dựng họ sẽ có nghiên cứu tổng thể, trên cơ sở đó lập quy hoạch xây dựng nhỏ hơn rồi mới khoanh vùng triển khai công trình cụ thể. Do vậy, khi triển khai dự án sẽ tránh được những khu vực nhạy cảm. Cùng với đó, khi triển khai trên thực tế, họ sẽ làm luôn các giải pháp gia cố công trình ngay từ đầu.

Quay trở lại Việt Nam, ông Mạnh khẳng định, Việt Nam chưa chú trọng vấn đề gia cố, chỉ bố trí vốn xây dựng và cũng không có khái quát khu vực nào cần tránh xây dựng, nếu thi công phải thì buộc phải sửa.

Qua kinh nghiệm thực tế, ông Mạnh ví dụ cùng một quả đồi có thể chỗ này vùng đất ổn định nhưng chỉ vài chục mét sau vùng đất lại không ổn định. Ngay cả những vùng đất được xem là ổn định thì có thể qua vài trận mưa lại có nguy cơ sạt lở lớn.

Trả lời câu hỏi đâu là giải pháp để tránh những sự cố về sạt lở khi xây dựng tại những vùng đất không ổn định, ông Mạnh nhấn mạnh: “Không có giải pháp nào là hoàn hảo, giải pháp có thể tốt ở vùng này nhưng không tốt ở vùng khác. Ngay cả những nước có nền công nghệ hiện đại như Nhật Bản cũng vẫn xảy ra nhiều sự cố về sạt lở đất”.

Ông Mạnh cũng lấy dẫn chứng là dự án đồi ông Tượng đang được áp dụng các giải pháp tổng thể cho việc phòng chống và khắc phục sạt trượt. Tuy nhiên phải có tới 14 giải pháp khác nhau mới giúp dự án này đứng vững qua 2 mùa mưa vừa qua.

Những biện pháp tổng thể để quản lý sạt trượt hiệu quả được ông Tiến nhắc tới là xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập 4 loại bản đồ cơ bản (nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở và khu vực ảnh hưởng khi trượt đất).

Theo ông Tiến, từ cơ sở thông tin tổng quan này mới có thể xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó phù hợp.

Tuy nhiên, kinh phí đang là rào cản ở Việt Nam.

“Dự án Xín Mần (Hà Giang) đã hình thành các khối trượt và cả thị trấn nằm trên khối trượt này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhưng địa phương chưa có tiền xử lý”, ông Mạnh nói.

PGS.TS Nguyễn Bá Kế, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP FECON cho biết, riêng Thụy Điển, chỉ dự báo sạt lở ở những vùng quan trọng bằng hệ thống tự động thì mỗi hệ thống cũng trị giá 200-300 USD. Hệ thống này sẽ thông báo về độ ẩm, nguy cơ sạt trượt, tốc độ ô tô hợp lý khi đường ướt…. Ở Việt Nam, các cấp quản lý đã nhận thức được nhưng không đủ tiềm lực kinh tế để quản lý”.

Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, mặc dù các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã có bản đồ sạt lở nhưng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động là khó khăn.

Ông Cầm Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho rằng: “Việc trông chờ nguồn lực ngân sách là khó khăn, huy động doanh nghiệp cũng khó. Các doanh nghiệp hiện chỉ có thể hỗ trợ nguồn lực kỹ thuật. Do đó, giải pháp là người dân phải chủ động, các địa phương phải tuyên truyền vận động, tập huấn hướng dẫn để người dân có kiến thức phòng chống sạt lở đất, lũ quét  nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả”.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục