Hôm nay 30/5, Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết, 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch, như tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, đạt giá trị hơn 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD.
Kinh tế tiếp tục khởi sắc trong quý I năm nay khi GDP đạt 6,79%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,71% trong 4 tháng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước sự bất ổn, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... diễn biến khó lường. Mặt khác, nội tại nền kinh tế bộc lộ nhiều điểm nghẽn, như cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn...
Ở khía cạnh xã hội, đổi mới giáo dục vẫn bất cập, còn những vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử... gây bức xúc xã hội.
Nhìn nhận mục tiêu năm 2019 khá nặng nề, Chính phủ đưa ra 7 nhóm giải pháp, trước tiên là kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, và thúc đẩy tăng trưởng.
Thẩm tra nội dung trên, Uỷ ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần phân tích rõ động lực tăng trưởng và đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến tăng GDP, nhất là ứng phó của Việt Nam để tận dụng và phòng ngừa rủi ro từ xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý, Chính phủ cần đánh giá, hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới, đặt ra hàng rào ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút vốn ngoại. Đây cũng là những mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội chiều 22/5.
Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao nhận định, chiến tranh thương mại về ngắn hạn có lợi cho Việt Nam chứ không phải hoàn toàn bất lợi. Song về lâu dài cuộc chiến này sẽ tác động lớn tới Việt Nam khi tổng cầu thương mại của thế giới giảm sút.
Thứ trưởng Ngoại giao kiến nghị Chính phủ cần sớm có đối sách, biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trước chiến tranh thương mại để tận dụng ưu thế ngắn hạn, tăng xuất khẩu nhưng đảm bảo tránh bị đưa vào danh sách xuất siêu. "Cái này rất khó khăn nhưng cần phải làm và có thể làm được".
Phiên thảo luận sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp.