Hôm nay khai mạc Diễn đàn M&A lớn nhất Việt Nam

Diễn đàn M&A lớn nhất Việt Nam năm 2019 chính thức diễn ra vào chiều 6/8, với sự tham gia của 26 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Chiều nay, 6/8, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 11 - năm 2019 sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM Center (TP.HCM).

Bên cạnh các hoạt động Vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019; Tiệc kết nối đầu tư; Khóa đào tạo cao cấp về chiến lược M&A; Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2019”, tâm điểm của Diễn đàn M&A 2019 vẫn sẽ là hội thảo thường niên.

Năm nay, chủ đề được Ban tổ chức lựa chọn là “Thay đổi để bứt phá”, với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo bước ngoặt mới trong chu kỳ mới của thị trường M&A.

Trong 10 năm qua, kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên được tổ chức vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bước sang năm thứ 11 của Diễn đàn, thị trường M&A Việt Nam đón nhận nhiều  động thái lớn như việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác; Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới dự kiến lần đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành; việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… 

Các động thái này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của các nước lớn; một số rào cản chính sách trong nước còn chưa được tháo gỡ; chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn; và những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… 

Và do đó, đã đến lúc cần thiết phải “thay đổi để bứt phá”. Không chỉ Chính phủ, mà các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Với ý nghĩa đó, Diễn đàn năm nay sẽ có 3 phiên thảo luận chính. Phiên thảo luận thứ nhất sẽ tập trung về tổng quan thị trường M&A Việt Nam.

Trong phiên thảo luận này, các diễn giả và khách mời sẽ tập trung thảo luận về việc trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ và cơ quan quản lý của Việt Nam cần tạo ra những thay đổi gì để thị trường M&A bứt phá mạnh mẽ hơn? Nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có những động thái như thế nào trong thời gian tới?

Các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, các chính sách nới lỏng để hỗ trợ hoạt động M&A trong thời gian tới, như nới “room” vốn ngoại; giảm số lượng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; xử lý những vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, hay làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn để có được các thương vụ lớn… cũng sẽ được đề cập tại phiên thảo luận này. 

Phiên thảo luận thứ hai, các diễn giả sẽ tập trung nhận diện các lĩnh vực bứt phá trên thị trường M&A trong thời gian tối. Liệu đó sẽ tiếp tục là bán lẻ, hàng tiêu dùng như thời gian qua, hay sẽ là bất động sản, tài chính - ngân hàng? 

Hoạt động M&A trong những lĩnh vực này sẽ sôi động và bứt phá như thế nào trong thời gian tới? Cơ hội liệu có dành cho người đến sau? Đâu là điểm nghẽn cần tháo gỡ?

Tất cả các câu hỏi này sẽ được trả lời tại phiên thảo luận thứ hai.

Trong khi đó, phiên thảo luận thứ ba, các diễn giả sẽ tập trung chia sẻ về phát triển thương hiệu hậu M&A.

Trên thực tế, có những thương hiệu được nâng tầm sau khi M&A, nhưng cũng có những thương hiệu bị rơi vào quên lãng, bị triệt tiêu bởi bên thâu tóm. 

Vậy những bài học thành công và thất bại của các thương hiệu hậu M&A là gì? Làm thế nào để bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt Nam trong các giao dịch M&A xuyên biên giới và trước những cuộc đổ bộ của doanh nghiệp nước ngoài?...

Rất nhiều vấn đề nóng hổi và mang tính sống còn với việc thực hiện các thương vụ M&A sẽ được đặt ra và thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường M&A Việt Nam, thị trường mà trong 10 năm qua đã tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị đạt khoảng 55 tỷ USD. 

Diễn đàn M&A Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. 

Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A thông qua việc đánh giá, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục