Hội thảo C2C của HSC: Ngành hàng tiêu dùng đã đảo chiều xu hướng và tiến đến chu kỳ bùng nổ trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hội thảo C2C chủ đề “Ngành hàng tiêu dùng: đi tìm điểm đảo chiều xu hướng”, do Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) tổ chức, c ác chuyên gia của HSC tin tưởng rằng, tiêu dùng sẽ lạc quan trở lại còn ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Digiworld dự báo, quý 4 năm nay sẽ thoát khỏi tăng trưởng âm vì mức tăng trưởng của quý 4 năm ngoái là mức nền của giai đoạn suy thoái.
Hội thảo C2C của HSC: Ngành hàng tiêu dùng đã đảo chiều xu hướng và tiến đến chu kỳ bùng nổ trở lại

Trong quý 2, HSC nhận thấy có nhiều dữ liệu kinh tế vĩ mô đã chuyển biến tích cực sau khi chính sách tiền tệ đã sớm đảo chiều ngay trong quý 1.

Các phân tích của chuyên gia Công ty CP Chứng khoán TP. HCM (HSC) chỉ ra rằng, sau khi chính sách vĩ mô đảo chiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một số chỉ báo vĩ mô đã đảo chiều sớm.

Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô- HSC cho biết, chính sách vĩ mô đã có những điểm xoay chiều cụ thể và quyết liệt từ quý 1 năm nay khi GDP chỉ đạt 3.32%. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đã được ban hành. Chính sách tài khóa đẩy mạnh đầu tư công và chính sách tiền tệ với 4 lần cắt giảm lãi suất chính sách về mức thấp kỳ lục. Nếu đến quý 4 tình hình còn khó khăn thì vẫn còn dư địa nhỏ để cắt giảm 0,25% lãi suất chính sách nữa.

Các chỉ báo vĩ mô đã báo hiệu xu hướng đảo chiều. Ông Long cho rằng, với nền kinh tế thực khi lãi suất tăng cao khiến nhu cầu với mặt hàng phi thiết yếu giảm đáng kể, cụ thể tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn ở mức cao nhưng tiêu dùng hàng gia dụng và ô tô giảm rất mạnh, có lúc gần như bằng 0. Gần đây mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, kéo theo lãi vay giảm theo dù có độ trễ giúp doanh số bán hàng xa xỉ phẩm tăng lên, như doanh số bán ô tô đã hồi phục trong tháng 6 dù chưa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lãi suất cho vay qua đêm gần như bằng 0% là mức thấp kỷ lục như thời covid, điều này cho thấy căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang được tháo gỡ. Nhờ đó thanh khoản của thị trường chứng khoán đang gia tăng đột biến so với thời điểm đầu năm.

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi dù suy giảm do khó khăn của doanh nghiệp nhưng tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm của người dân đã chững lại từ tháng 4, cho thấy người dân đã chuyển tiền tiết kiệm của mình phân bổ một phần sang các kênh đầu tư khác khi mặt bằng lãi suất mất dần sức hấp dẫn.

Khi một số chỉ báo vĩ mô đảo chiều sớm thì thị trường chứng khoán đã sớm đảo chiều phản ánh đáy của nền kinh tế đang hình thành. Do kỳ vọng và thông tin liên quan các gói hỗ trợ kinh tế, dù dữ liệu kinh tế vĩ mô còn xấu nhưng trên thị trường, nhóm ngành tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu là ngành nhạy cảm với lãi suất đã phản ứng ngay. Nhóm hàng tiêu dùng đã phục hồi mạnh trong tháng 7 vừa qua nhưng nhìn biểu đồ biến thiên vốn hóa, có thể thấy để đuổi kịp mức độ phục hồi của các ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì còn cần thêm nhiêu thời gian, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân- HSC phân tích. Trong chu kỳ tiếp theo, sự phân hóa sẽ diễn ra và tạo điều kiện cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn và có câu chuyện riêng bứt phá.

Digiworld sớm trở lại tăng trưởng dương

DGW là doanh nghiệp phân phối bán lẻ lớn có mặt trong Hội thảo C2C lần này của HSC. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld (DGW) chia sẻ, doanh thu tháng 6 của DGW đạt cao nhất 6 tháng đầu năm và sẽ tốt dần lên. Quý IV/2023, DGW sẽ quay trở lại tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái do quý 4 năm ngoái đang tạo đáy và quý 1 vừa qua đã là đáy của thị trường.

Vấn đề hàng tồn kho của ngành theo ông Việt sẽ sớm trôi qua vì hàng tồn kho đang giảm xuống, nhất là thời điểm sắp ra mắt iphone mới, hàng không đủ đáp ứng nhu cầu, chuyện phá giá sẽ không còn. “Riêng DGW, mô hình kinh danh khá linh hoạt, đầu tư ít vào tài sản, chi phí cố định mà DGW chủ yếu là chi phí biến đổi (bán được hàng mới phát sinh chi phí giao nhận), với nhân sự ít (khoảng 600 nhân sư thì chi phí tiền lương cũng khá thấp). Qua mỗi lần khủng hoảng DGW lại thấy mình lớn lên, trưởng thành nhanh, từ khi thành lập chưa quý nào lỗ. Công ty có dòng tiền tốt nên dễ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, định chế tài chính. DGW cũng vay được vốn với lãi suất thấp nhất trên thị truơng (khoảng 7%) dù trong thời điểm lãi suất cao nhất, và hiện nay là dưới 6%”, ông Việt nói.

Bà Minh cũng đồng tình cho rằng triển vọng ngành bán lẻ dự báo sẽ hồi phục khá rõ từ 2024. Hiệu ứng mua sắm lớn từ sau giai đoạn covid năm 2020, thì việc sụt giảm sức mua máy tính, điện thoại trong 2023 có thể coi là xấu nhưng là bước đệm cần thiết để tạo tích lũy thu nhập người dân và phục hồi sức mua tiêu dùng. Sản phẩm từ sữa, bia không chịu nhiều ảnh hưởng sẽ có sự phục hồi 4-6% trong 2 năm tới. Còn các ngành sụt giảm mạnh ở mức 2 con số như điện thoại, điện tử trang sức sẽ có sức tăng mạnh hơn. Khi kinh tế tăng 6,5% năm 2024 và duy trì cao trong năm 2025 thì người dân sẽ mở hầu bao tiết kiệm và chi tiêu cho một chu kỳ mới.

Ông Việt nhấn mạnh, theo năm ngành hàng của DGW sẽ bùng nổ vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Ngành hàng laptop và điện thoại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau chu kỳ đổi mới sản phẩm, mùa tựu trường cũng như dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ điện thoại tăng cao Apple, Samsung, Xiaomi cũng ra sản phẩm mới trong khi tăng trưởng kinh tế tốt hơn, nhu cầu sẽ tăng trở lại.

“Kế hoạch kinh doanh được xây dựng ở thời điểm khó khăn đầu năm 2023. DGW, không ngại năm nay tăng cao sẽ tạo khó khăn về mức nền mới cho năm sau mà chúng tôi dốc sức tối đa, mở thêm ngành hàng mới, sản phẩm mới, nên hy vọng mọi thứ thuận lợi DGW có thể vượt kế hoạch kinh doanh của năm 2023”.

Chia sẻ mô hình tăng trưởng DGW, ông Việt nhấn mạnh, DGW đã thiết lập kênh phân phối cho từng ngành hàng, điện thoại, hàng tiêu dùng, điện tử, thiết bị công nghiệp và thực hiện M&A. DGW mở rộng các ngành hàng mới, tìm kiếm nhãn hàng mới để tận dụng kênh phân phối ngành hàng cũ. Mô hình tăng trưởng này không có giới hạn có thể áp dụng cho các ngành hàng khác nhau nhưng quan điểm của DGW là tăng trưởng và phát triển bền vững, không có sự đổ vỡ hay thiếu hụt tài chính, thiếu hụt nhân sự để mở rộng hiệu quả. DGW đại diện các nhãn hàng mở các kênh bán cả online và offline hay mở brand shop với chiến lược phát triển theo chiều dọc. “Do đã có nhiều kinh nghiệm, DGW sẽ cân nhắc làm nhãn hàng riêng nhưng hiện nay chưa triển khai”, ông Việt tiết lộ.

Trong dài hạn, DGW kỳ vọng vào ngành hàng tiêu dùng có quy mô doanh thu 5 tỷ USD một năm trong khi thị phần DGW còn nhỏ. Thứ hai là thiết bị công nghiệp, khi Việt Nam là trung tâm sản xuất khu vực, nhu cầu về các sản phẩm cho thiết bị công nghiệp tăng trưởng rất mạnh mẽ trong khi ngành này chưa có tay chơi lớn nên DGW có thể tạo sự phát triển đột phá ở ngành hàng này.

Ngành hàng truyền thống đóng góp 30% doanh thu của DGW là máy tính và điện thoại di động, theo ông Việt sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 5 năm tới không được mức hai con số nhưng sẽ tăng khoảng gần 10%. Ngành hàng F&B mà DGW mới đặt chân vào sẽ đi thận trọng từng bước để đạt hiệu quả và sẽ có tăng trưởng.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc Thông tin và Nhận định thị trường, Khối Khách hàng Cá nhân- HSC đánh giá, với tốc độ tăng trưởng DGW là cổ phiếu phù hợp mua theo chiến lược tích sản. Trong ngắn hạn, DGW có tăng nhưng vẫn còn tiềm năng tăng giá phù hợp với tốc độ hồi phục của doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục